Thứ Sáu | 28/11/2014 11:02

Tại sao Nga nói không với cắt giảm sản lượng dầu mỏ?

Không một nước nào chịu ảnh hưởng nặng nề bằng Nga khi dầu mất giá. Nước này sẽ mất 100 tỷ USD/năm khi giá dầu dưới 80 USD/thùng.
 

Vậy tại sao Moscow lại quyết định không giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên?

Igor Sechin, giám đốc điều hành tập đoàn Rosneft đến Vienna trước thềm cuộc họp OPEC ngày 27/11 trong bối cảnh đồn đoán Nga có thể sẽ giảm sản lượng cùng với một số thành viên OPEC. Nhưng hôm 25/11 sau cuộc hội đàm với đại diện Arab Saudi, Venezuela và Mexco, ông Sechin đã phát biểu rằng các nước nhất chỉ chỉ “theo dõi giá dầu trong năm tới”.

Tại sao Nga lại không gây áp lưc để giảm nguồn cung dầu?

Một trong những lời giải thích là Mosocw không thể dễ dàng ngừng khai thác các giếng dầu ở Siberia – rất khó đóng cửa các giếng dầu trong mùa đông. “Chúng tôi không phải là Arab Saudi với khả năng giảm sản lượng một cách nhanh chóng”, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết.

Hơn nữa, Điện Kremlin phần nào vẫn cảm thấy “ổn” tuy giá dầu giảm vì đồng nội tệ ruble đang mất giá mạnh. Tuy giá trị xuất khẩu dầu tính bằng USD giảm, nhưng nếu tính bằng ruble thì kim ngạch xuất khẩu dầu vẫn ổn định, do vậy, chính phủ Nga có thể vẫn thu đủ thuế dầu để trang trải lương hưu và các cam kết ngân sách khác.

Và ông Sechin cho biết, các công ty dầu khí của Nga đã “thích nghi” với tình trạng giá dầu luôn biến động. “Giá dầu giảm, kể cả xuống dưới 60 USD/thùng, cũng không tồi tệ đến mức phải ngay lập tức cắt giảm sản lượng”, ông Sechin nói.

Lý do chính giải thích cho sự lưỡng lự của Nga là không có đủ điều kiện để giảm khối lượng dầu bán ra. Xuất khẩu dầu thô là nguồn thu chính của ngân sách Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt đòn trừng phạt khiến Nga khó lòng tiếp cận được thị trường vốn toàn cầu. Và các công ty dầu khí của Nga cần phải duy trì nguồn thu vì chi phí bơm dầu từ các giếng dầu ở phía Tây Siberia ngày càng cao hơn khi trữ lượng tại đây đang giảm.

Richard Mallinson, nhà phân tích địa chính trị tại hãng tư vấn Energy Aspects, cho biết, các công ty dầu khí của Nga cần cải tiến công nghệ tại các giếng dầu ở phía Tây Siberia để tăng sản lượng hoặc thậm chí chỉ để duy trì sản lượng hiện tại.

Đòn trừng phạt đã khiến Nga không thể tiếp cận công nghệ tiên tiến và bí quyết kỹ thuật của phương Tây và làm chậm lại tiến độ của nhiều dự án mới như liên doanh tại Bắc Cực giữa Rosneft và Exxon Mobil.

Alexander Kornilov, nhà phân tích năng lượng tại Alfa Bank tại Moscow, cho biết, sản lượng dầu của Nga có thể giảm nhẹ nếu giá tiếp tục giảm, nhưng sẽ không có việc giảm sản lượng để gây áp lực lên thị trường. Giờ đây, Nga vẫn sản xuất dầu với sản lượng cao nhất có thể.

Nguồn DVO/Business Week