Thứ Sáu | 17/05/2013 15:57

Tại sao các quốc gia OPEC từ bỏ tiêu thụ dầu?

Các quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu như Ảrập Saudi, UAE đang tìm cách thay thế dầu bằng năng lượng mặt trời, hạt nhân trong sản xuất điện.
Khi nói đến OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ), người ta nghĩ ngay đến dầu. Các nước thuộc OPEC chiếm 40% tổng sản lượng dầu thế giới. Đối với nhiều nước, dầu là nguồn thu lớn nhất của chính phủ. 45% GDP của Ảrập Saudi là từ dầu. Tuy nhiên, Ảrập Saudi và một số nước OPEC khác ở Trung Đông đang có những động thái để ngăn chặn việc tiêu thụ dầu nội địa. Tại sao các quốc gia, nơi dầu là nguồn năng lượng phong phú nhất muốn ngừng tiêu thụ loại tài nguyên sẵn có này? Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra, và lý do tại sao.

Bất kỳ cách nào ngoài dầu

Trong nhiều năm qua, dầu không chỉ là nguồn thu chủ yếu cho các nước Trung Đông mà còn là nhiên liệu hàng đầu cho sản xuất điện. Hơn 33% công suất phát điện của Ảrập Saudi là từ dầu. Có nghĩa là, vương quốc này có thể tiêu thụ tới 1 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu điện năng. Kahlid al-Falih, giám đốc điều hành của công ty dầu khí quốc gia Aramco, đã tuyên bố rằng nếu không thay đổi về cơ bản việc sản xuất và tiêu thụ điện năng, Ả rập Saudi có thể tiêu thụ tới 8 triệu thùng dầu và khí tự nhiên/ngày vào năm 2030.

Để đối phó với nguy cơ tiêu thụ quá nhiều này, Ảrập Saudi đang tìm cách thay dầu bằng cả năng lượng mặt trời và hạt nhân trong sản xuất điện. Công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc Suntech Power vừa cung cấp cho Ảrập Saudi 3,5 megawatt điện năng lượng mặt trời, và có kế hoạch nâng tổng công suất phát điện năng lượng mặt trời của nước này lên hơn 2.000 lần vào cuối thập kỷ tới với 24.000 megawatt. Ả rập Saudi cũng có kế hoạch mở rộng công suất phát điện hạt nhân lên 17.000 megawatt hoặc cao hơn.

Ảrập Saudi không phải là nước duy nhất thực hiện điều. Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), nước sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới, cũng thông báo đặt mục tiêu sản xuất được từ 20% -25% sản lượng điện từ năng lượng hạt nhân vào năm 2021. Công ty hạt nhân quốc gia của UAE, ENEC, đã ký hợp đồng trị giá 3 tỷ USD với Rio Tinto, Tenex của Nga và Areva của Pháp để cung cấp nhiên liệu hạt nhân và các dịch vụ khác cho kế hoạch xây các lò phản ứng hạt nhân trong nước.

UAE cũng là nơi có nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới Shams-1. Cơ sở này gần đây đã tạo ra khoảng 100 megawatt điện với công suất tối đa. UAE có kế hoạch bổ sung thêm hai dự án lớn tương đương Shams trong vài năm tới. Không chỉ có Ảrập Saudi, UAE, các nước khác như Bahrain, Oman, Qatar và Kuwait đều có kế hoạch đầy tham vọng để tăng công suất phát điện năng lượng mặt trời.

Giữ dầu cho tất cả mọi người

Đối với một khu vực rất giàu dầu mỏ, có vẻ kỳ lạ khi thấy động thái hướng tới năng lượng thay thế. Nhưng dầu là lý do chính xác mà các nước OPEC làm điều này, hoặc cụ thể hơn, là xuất khẩu dầu. Bằng cách giảm tổng mức tiêu thụ xăng dầu trong nước, các nước OPEC hy vọng sẽ tăng khả năng xuất khẩu dầu và qua đó đạt doanh thu lớn hơn.

Việc tìm kiếm nguồn năng lượng khác có thể tiết kiệm cho Ảrập Saudi tới 520.000 thùng dầu/ngày vào năm 2032 và số dầu này có khả năng được xuất khẩu ngay lập tức. Theo giá hiện hành, sẽ có thêm 19 tỷ USD mỗi năm trong doanh thu bán dầu.

Với sản lượng dầu Bắc Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng trong vài năm tới, các nước OPEC cần phải làm bất cứ điều gì được coi là cần thiết để giữ vị trí của mình trong thị trường cung cấp dầu. Có vẻ như năng lượng mặt trời và hạt nhân là một cách để duy trì vị trí đó lâu hơn dự kiến.

Bài học từ OPEC

Động thái của các nước OPEC là một bài học với các nhà đầu tư. Các quốc gia này tin rằng họ quá phụ thuộc vào một nguồn năng lượng trong nước, và nếu có bất cứ điều gì trên thị trường quốc tế ảnh hưởng đến sản phẩm này, họ có thể gặp rắc rối.

Việc đa dạng hóa sản xuất điện trong nước sẽ có thể giúp họ giảm thiểu vấn đề này. Các nhà đầu tư năng lượng cũng cần có cách tiếp cận tương tự. Thay vì tập trung vào một nguồn năng lượng duy nhất, nên cố gắng để có một cách tiếp cận đa dạng.

Nguồn Dân Việt/Fool


Sự kiện