Trong nhiều năm qua, số vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% tổng số vốn của nước ngoài đầu tư vào nước ta nói chung. Ảnh: yduocsaigon

 
Sơn Mai Thứ Năm | 10/12/2020 16:01

Tại sao các nhà đầu tư ngoại không mặn mà với nông nghiệp Việt Nam?

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Thực tế, ngành nông nghiệp rất khó thu hút đầu tư

Doanh nghiệp ngoại không quam tâm

Tại Hội thảo về chính sách thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD), chia sẻ: Tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp (ngành hàng nông, lâm, thủy sản) đạt 3,5 tỉ USD, chiếm 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong khi mức trung bình toàn cầu là 3% của tổng vốn FDI.

Các đối tác quan trọng nhất đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam gồm: Đài Loan (Trung Quốc), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp FDI khó tiếp cận đất nông nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; các dịch vụ hỗ trợ logistic và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Cũng trong một cuộc gặp đầu năm với Việt Kiều, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cho rằng: Hiện nay, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế. Trong nhiều năm qua, số vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% tổng số vốn của nước ngoài đầu tư vào nước ta nói chung.

Ảnh:
Thậm chí, những năm gần đây, con số đầu tư vào nông nghiệp còn ở mức thấp hơn. Ảnh: dantocvaphatrien

Thậm chí, những năm gần đây, con số này còn ở mức thấp hơn. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ đang xây dựng một Đề án và một Nghị định để làm rõ hơn những chủ trương cũng như những chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo Bộ trưởng, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có những thuận lợi, nhưng cũng có nhiều rủi ro. Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, rủi ro về thị trường. Đặc biệt là khi đầu tư vào nông nghiệp nước ta, các doanh nghiệp phải làm việc với phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ với trình độ khác nhau.

Nước ta không còn đủ đất đai để cho các doanh nghiệp thuê với diện tích lớn và phương thức chủ yếu là các doanh nghiệp phải hợp tác với các gia đình nông dân để sản xuất nguyên liệu. Chỉ trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi là họ tự sản xuất.

Doanh nghiệp trong nước gian nan tìm đất và vốn

Không thu hút nhiều nguồn vốn nước ngoài nhưng các doanh nghiệp lớn trong nước khá mặn mà. Một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử như Vinamilk, Nafoods, TH True milk, Thaco, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, FLC, Ba Huân, Biển Đông…

Ảnh:
Trang trại bò sữa Vinamilk. Ảnh: VietnamDaily

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện là doanh nghiệp sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn quốc tế lớn nhất châu Á về số lượng, với 12 trang trại trong nước đang hoạt động theo các chuẩn Global G.A.P và Organic châu Âu.

Ngoài ra, 3 dự án trang trại khác của Vinamilk đang được phát triển tại Việt Nam và Lào, dự kiến trong 1-2 năm tới sẽ đóng góp thêm 20.000 con bò sữa vào tổng đàn bò Vinamilk quản lý hiện nay là 150.000 con.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lại khó tìm được nguồn đất. Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng Hà Nội muốn đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng quỹ đất hạn hẹp, địa phương chưa có để bố trí.

Công ty Sông Hồng được thành lập năm 2016 với ngành nghề kinh doanh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ trong nhà màng, sản xuất mạ khay, chuyển giao cơ giới hóa đồng bộ về gieo trồng lúa.

Ảnh:dansinh
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tìm được diện tích đất lớn mở rộng sản xuất. Ảnh:dansinh

Theo Sông Hồng hạch toán, với 1.000m2 trồng dưa vàng Kim Hồng Ngọc, 1 năm 3 vụ, mỗi vụ 3 tấn dưa, mỗi năm cho thu 270 triệu đồng. Chi phí nhân công, giống, phân bón, khấu hao nhà màng…  khoảng 75 triệu đồng. Chỉ tính làm quả dưa sạch, Sông Hồng thu lãi 195 triệu đồng. Nếu tính gộp các khoản rau mầm và thu khác thì hiệu quả cao hơn nhiều lần so với cây lúa và cho thu về 1,5 tỉ đồng/năm.

Ông Tám cho biết, với phương pháp sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ trong nhà màng công nghệ Israel, sản phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Biết là nguồn cung không thể đáp ứng được cho nhu cầu, nhưng chúng tôi không biết làm cách nào để mở rộng sản xuất, vì quỹ đất không có. Chính quyền rất quan tâm và ủng hộ, nhưng vẫn chưa tìm ra được quỹ đất cho Hợp tác xã Sông Hồng.

Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng, cho biết: doanh nghiệp nhỏ không như các tập đoàn cần diện tích đất cho sản xuất lên hàng trăm nghìn ha, nhưng chúng tôi cũng không thể thuê đất để mở rộng quy mô đầu tư.

Có thể bạn quan tâm:

►Thời của nông nghiệp hữu cơ