Tại sao 48% doanh nghiệp tại Việt Nam kinh doanh thua lỗ?
Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp. Trong 3 khu vực, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đây là một thực tế đáng báo động của khu vực DNTN đã được chỉ ra trong báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới công bố.
Những con số báo động
Những bất lợi trong kinh doanh mà khu vực DNTN đang phải đối mặt đã được PGS.TS Tô Trung Thành, Đại diện nhóm nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ rõ. Trong đó, tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất.
Số liệu điều tra trực tiếp 695 doanh nghiệp mà nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện cho thấy, có tới 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã từng nộp đơn xin vay vốn ngân hàng. Tỷ lệ này cũng tăng lên theo quy mô doanh nghiệp, trong khi chỉ có 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ nộp đơn vay vốn thì tỷ lệ đối với doanh nghiệp qui mô lớn là 70%. Tỷ lệ này cũng thay đổi theo hình thức sở hữu doanh nghiệp, trong đó, DNNN và DNTN có tỷ lệ nộp đơn vay vốn lần lượt là 68% và 60%, trong khi tỷ lệ này đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 48%.
Bên cạnh đó, vẫn có sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các DN nhỏ và vừa và các DN lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước. Kết quả thực nghiệm cho thấy, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ thuộc DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm phần trăm nếu đó là DN thuộc sở hữu Nhà nước.
Cũng theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chi phí sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tăng có xu hướng tăng trong thời gian qua đã làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 11,4%. Điều này khiến tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận giảm đáng kể từ mức 63,2% xuống còn 40,6%.
Tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam đứng mức 20,9% GDP năm 2017, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (14,5%), Singapore (8,5%), Malaysia và Philippines (13%)… cũng đang khiến doanh nghiệp Việt Nam “vất vả” trong kiểm soát chi phí. Có tới 44% doanh nghiệp được hỏi nhận định chi phí vận tải đường bộ ở mức cao và rất cao, 17% doanh nghiệp thường xuyên phải trả các khoản phí không chính thức.
Đặc biệt, chi phí phi chính thức gây ra cho doanh nghiệp bởi các thủ tục hành chính vẫn tương đối lớn. Có tới 19,6% doanh nghiệp phản ánh phải bỏ ra trên 30% thời gian việc xử lý các vấn đề liên quan đến thuế và hải quan. Nhiều thủ tục hành chính phức tạp còn khiến nhiều doanh nghiệp phải quà cáp cho bán bộ thuế trong các lần gặp.
“Đơn thuốc” nhiều mà DN vẫn không phát triển
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngoài những khó khăn trên, thực tế, chi phí tuân thủ còn lớn hơn nhiều. Đơn cử như những điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành phải cắt giảm từ 30-50%. Nếu làm được, chi phí tuân thủ của DN sẽ giảm đi đáng kể.
Đưa thêm bằng chứng cho thấy “sức khoẻ” của DNTN Việt Nam, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tăng trưởng GDP hiện như miếng bánh chỉ dành cho ông to, DN lớn, trong khi chỉ xét trên thị trường chứng khoán, tính thanh khoản, lợi nhuận các DN nhỏ đều giảm: "Nếu bỏ những đóng góp của các ông lớn như Samsung, Formosa ra khỏi nền kinh tế, còn lại chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam với nhau thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam không có gì quá đặc sắc. Nói vậy không phải là chê xấu, mà phải nhìn rõ thực tế các doanh nghiệp Việt đang rất khó khăn".
Trong khi đó, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại cho rằng, Việt Nam đã đưa ra nhiều “đơn thuốc” nhằm tháo gỡ rào cản cho DN từ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ… nhưng “căn bệnh” DN trong nước mãi không phát triển vẫn không thể khỏi. Còn có khoảng cách giữa những mục tiêu và kết quả đặt ra, phạm vi cải cách còn hẹp.
“Cắt bỏ điều kiện kinh doanh mới chỉ là điều kiện đầu tiên. Phải tính tới việc thiết kế những chính sách thúc đẩy cạnh tranh bởi chính sách cạnh tranh mới là trái tim của nền kinh tế, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và dài hạn”, TS Hiếu cho hay.
Theo TS Phan Đức Hiếu, thách thức lớn nhất của việc chưa đạt được các mục tiêu đặt ra là do các giải pháp không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
“Thông điệp của Chính phủ như vậy cũng là rõ và đủ rồi, giờ cần có hành động cụ thể. Hành động này phải đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá”, TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn VOV/VTV