Tái kiểm soát tín dụng bất động sản
Đó là phát biểu của Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh tại cuộc họp triển khai kế hoạch 2016 của ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, diễn ra cuối tuần qua.
Theo ông Thanh, tín dụng tăng trưởng tích cực trong năm qua phần lớn chảy vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đáng lưu ý là, một số ngân hàng đẩy vốn vào thị trường bất động sản quá nhiều.
Thực tế, trong năm qua, tín dụng tăng trưởng theo hướng khuyến khích, nhưng không phải không có rủi ro, nếu kiểm soát yếu kém. Vì vậy, năm nay, NHNN có thể kiểm soát tín dụng bất động sản, nhất là vốn dài hạn. “Thời gian qua đã có nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản. Điều đáng lo là, nhiều ngân hàng đã bỏ ‘trứng’ vào một ‘giỏ’, chứ không phải một ngân hàng bỏ trứng vào một giỏ. Do đó, cần kiểm soát rủi ro chặt chẽ, nếu không sẽ sớm lặp lại tình trạng nợ xấu bất động sản gia tăng”, ông Thanh nói và cho rằng, cần khuyến khích, tăng cường cho vay nhỏ, lẻ, phân tán để hạn chế rủi ro.
Thực tế cho thấy, trong năm qua các ngân hàng thương mại đã mạnh tay đẩy vốn cho cá nhân vay mua nhà và chủ đầu tư bất động sản. Chính điều này đã góp phần vào tăng trưởng tín dụng đến 18% của ngành trong năm 2015.
Trong khi đó, nợ xấu vẫn còn áp lực với ngành ngân hàng, nên việc kiểm soát rủi ro trong cho vay, nhất là đối với tín dụng bất động sản, cần được quan tâm. Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết, qua thanh tra, hiện có một số tổng công ty, tập đoàn gặp khó khăn và đã có công văn gửi NHNN đề nghị, nếu các ngân hàng thương mại đã cho vay không cơ cấu lại và giảm lãi thì họ sẽ phá sản, kéo theo khó khăn cho ngân hàng thương mại.
Đó cũng là một trong những cảnh báo đối với những ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản trong năm 2015 và năm 2016 cũng như cho vay vốn dài hơi đối với lĩnh vực này.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, vốn trung và dài hạn tăng trưởng tốt, nhưng cũng rất rủi ro cho ngân hàng nếu các ngân hàng thương mại “bóc ngắn, cắn dài”, lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Những ngân hàng chạy đua lãi suất huy động vốn cho vay sẽ khó tránh rủi ro thanh khoản.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc HSBC, Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, việc tín dụng năm 2015 tăng trưởng tích cực một phần nhờ đổ nhiều vốn vào bất động sản và dự án hạ tầng cũng là một lưu ý, bởi nếu không kiểm soát kỹ rủi ro nợ xấu rất dễ quay trở lại.
Trong năm 2015, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng cao hơn những năm trước. Theo Vụ Tín dụng (NHNN), hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (2012) khoảng 197.000 tỷ đồng, thì các ngân hàng đã “bơm” vào lĩnh vực địa ốc 163.000 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD), tăng 80%.
Tín dụng bất động sản đang có xu hướng tăng cao khi ngân hàng rộng cửa cho vay đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bong bóng bất động sản. Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, sự phục hồi của bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường này và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Đặc biệt, Chính phủ lưu ý NHNN cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...
Nguồn Đầu tư