Tái diễn tình trạng xuất khẩu điều thô
Ông Thanh cho biết, trong tổng số gần 300 đầu mối xuất khẩu và hàng nghìn cơ sở chế biến điều thì đa số đều thua lỗ, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp điều phá sản. Nếu như năm 2011, sản lượng điều xuất khẩu giảm gần 20% so với năm 2010 thì dự kiến năm 2012 sản lượng còn thấp hơn năm 2011. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu điều cũng rơi vào trạng thái trầm lắng trong suốt thời gian qua.
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, ông Thanh cho biết, nhiều doanh nghiệp điều Việt Nam đang đi chệch hướng. Ông Thanh chia sẻ, qua một số chuyến công tác của ngành, Vinacas phát hiện một số địa phương đã xuất hiện hành vi xuất khẩu điều thô, điều sơ chế. Phía Trung Quốc cũng lập nhiều nhà xưởng chế biến rồi mua xô điều thô của Việt Nam về phân loại và chế biến sâu hơn. Như vậy, tình trạng xuất nông sản thô lại có dấu hiệu tái diễn.
Thêm vào đó, hiện có rất nhiều lô hàng điều Việt Nam bị đọng ở nước ngoài do chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo khiến hình ảnh và thương hiệu điều xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng.
Ông Thanh cho rằng, hiện cả nước có khoảng 300 đầu mối xuất khẩu điều, con số này là quá lớn. Thậm chí, trong đó gần nửa là các doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không hề có nhà máy chế biến nhưng vẫn thu gom xuất khẩu.
Trong thời gian sắp tới, Hiệp hội Điều Việt Nam sẽ xây dựng đề án “Doanh nghiệp điều xuất khẩu có điều kiện”, trong đó quy định doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu điều phải có hệ thống nhà xưởng, công nghệ thiết bị hợp “Quy chuẩn kỹ thuật cơ sở chế biến hạt điều”, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thức phẩm để trình các cơ quan Chính phủ. Nếu đề án được phê duyệt, điều sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu có điều kiện giống như mặt hàng gạo hiện nay.
Nguồn Báo Công Thương