Tái diễn tình trạng găm hàng tại cây xăng
Trong khi đó, trạm kinh doanh xăng dầu số 9 Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (52 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, quận 1) cũng treo bảng “hết hàng”.
Cùng ngày, một cây xăng trên đường Tân Hòa Đông cũng được phản ánh là trong tình trạng hết hàng. Theo khảo sát và ghi nhận của VnMedia hiện tượng này cũng xảy ra ở nhiều cây xăng khác. Chẳng hạn cả hai trụ bơm xăng A95 của cửa hàng xăng dầu 93 - đại lý bán lẻ xăng dầu Công ty cổ phần thương mại dịch vụ quận 3 (số 93 Võ Thị Sáu, phường 6, quận 3) cũng treo bảng “hết xăng”.
Đại diện cây xăng này cho biết: “Cửa hàng là đại lý cho Saigon Petro, cửa hàng đã hết hàng từ sáng 24/9, dự kiến ngày 25/9 có hàng bán lại. Dù trạm đã đặt hàng, có phiếu hàng nhưng tổng kho của Saigon Petro hết hàng, không cung cấp hàng nên cửa hàng tạm thời ngưng bán”.
Cũng theo vị này, cửa hàng bán khoảng 10.000 lít xăng/ngày, trong đó khoảng 3.000 lít xăng A95. Lúc gần 2 giờ chiều ngày 24/9, cửa hàng xăng dầu Bạch Đằng thuộc Công ty cổ phần cơ khí xăng dầu (469 Bạch Đằng, P.2, Q.Bình Thạnh) cũng treo bảng hết xăng A95.
Tuy nhiên, theo ông Đàm Quang Dũng, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình, nguyên nhân có thể do mức hoa hồng rót từ tổng đại lý xuống các đại lý cấp dưới đã giảm chỉ còn 150 - 200 đồng/lít xăng.
“Tại Hà Nội đã có tình trạng một số đại lý nộp đơn lên Sở Công thương xin ngừng bán hàng do càng bán càng lỗ. Vì mức hoa hồng bình quân với mỗi đại lý phải từ 400 - 450 đồng/lít xăng thì mới hòa vốn và có lãi”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, việc một số cây xăng ngừng bán với lý do không có hàng là không chính xác, nguồn hàng vẫn đủ, đại lý ngừng bán chủ yếu là do lỗ.
Trước đó, ngày 21/9, hàng loạt các cây xăng trên quốc lộ 18A qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đóng cửa. Tại nhiều cây xăng, mặc dù vẫn có nhân viên đứng trực, nhưng các cây xăng đều treo biển “hết xăng”, từ chối bán xăng cho khách.
Nguồn VnMedia