Thứ Sáu | 14/06/2013 17:11

"Tái cơ cấu Vinashin có lợi hơn là cho phá sản"

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vinashin là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nếu cho phá sản thì Nhà nước sẽ phải trả nợ thay.
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay (14/6), về các vấn đề liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuy còn lỗ rất nặng kết quả đến nay Vinashin đã có sự ổn định hơn.

Cụ thể, trong 216 doanh nghiệp Nhà nước không giữ lại thì đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp. Trong số 29.000 lao động giữ lại có khoảng 25% không có việc làm tuy nhiên con số này đã giảm 41.000 người so với trước đó.

Theo Phó Thủ tướng, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, hiện Vinashin đã có kế hoạch bàn giao 170 con tàu lớn, trong đó xuất khẩu được 66 tàu với giá trị trên 1,2 tỷ USD. Nếu không tiếp tục bàn giao 170 con tàu còn này thì số lỗ sẽ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ đồng nữa.

Về tái cơ cấu nợ, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo 19 ngân hàng trong nước giãn nợ cho Vinashin 70%, còn 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay thì cũng đang đàm phán, đã giảm được 30%.

"Như vậy khoản giảm này rất lớn, có những món nợ vay 40 triệu USD, tập đoàn mua lại với giá 9 triệu USD, v.v... kết quả của tái cơ cấu nợ là tiền đề quan trọng để chúng ta tái cơ cấu Vinashin. Bây giờ số nợ giảm rất nhiều, kể cả trong nước và nước ngoài, xin báo cáo Quốc hội như vậy", Phó Thủ tướng nói.

Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, quá trình tái cơ cấu Vinashin còn chậm và có nhiều khó khăn thách thức. Theo lộ trình đã được phê duyệt, Vinashin sẽ chỉ giữ lại 8 doanh nghiệp với 8.000 lao động giỏi có tay nghề cao và phấn đấu đến năm 2015 cổ phần hóa hết 216 doanh nghiệp không cần nhà nước nắm giữ vốn sở hữu.

Trước câu hỏi đặt ra tại sao không cho phá sản Vinashin, Phó Thủ tướng cho biết, việc tái cơ cấu sẽ mang lại lợi ích lớn hơn bởi Vinashin là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nếu cho phá sản thì Nhà nước sẽ phải trả nợ thay. Bên cạnh đó, sẽ làm mất uy tín, chỉ số tín nhiệm và gây bất ổn cho khoảng 30.000 hộ gia đình.

Đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Phó Thủ tướng cho biết, tuy cùng chung tình trạng lỗ và còn nhiều khó khăn nhưng việc tái cơ cấu được thực hiện có phần nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.

Vinalines đã bán được một số tàu cũ và trình Chính phủ ban hành Điều lệ hoạt động doanh nghiệp. Doanh thu của Tổng công ty trong năm 2012 đạt 21.200 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 670 tỷ đồng. Năm 2013, Vinalines đã thực hiện xong thoái vốn tại 16 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, hoàn thành tái cơ cấu vốn và nợ.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện