Tái cơ cấu: Vietnam Airlines sẽ có bốn hãng hàng không
Theo đề án tái cơ cấu tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mà bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ, đối với lĩnh vực kinh doanh xương sống là vận tải khách và hàng hoá, sau khi hoàn tất tái cơ cấu, Vietnam Airlines sẽ có bốn hãng hàng không gồm: hãng hàng không quốc gia Việt Nam (công ty mẹ); công ty Bay dịch vụ hàng không – VASCO (công ty phụ thuộc); hãng hàng không Jetstar Pacific – hãng hàng không chi phí thấp (tổng công ty nắm trên 50% vốn điều lệ), và hãng hàng không Cambodia Angkor Air (tổng công ty nắm dưới 50% vốn điều lệ).
Cổ phần hoá công ty “tai tiếng” Vinapco
Thay đổi đầu tiên là ngoài công ty mẹ với chín đơn vị phụ thuộc, hãng hàng không có tổng doanh thu năm 2012 lên tới 51.000 tỉ đồng sẽ gồm 26 công ty con hạch toán độc lập, công ty mẹ Vietnam Airlines sẽ chỉ nắm 100% vốn điều lệ đối với một công ty – đó là công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật máy bay – VAECO; một công ty khác từng được đề xuất sẽ giữ 100% vốn điều lệ là công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) – vốn từng bị cáo buộc buôn lậu xăng dầu – sẽ được tiến hành cổ phần hoá sau công ty mẹ với tỷ lệ nắm giữ của Vietnam Airlines trên 50% vốn điều lệ. Như vậy, công ty mẹ cũng sẽ nắm trên 50% vốn điều lệ đối với 14 công ty khác và nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đối với 11 công ty.
Cùng với đó, tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ sau khi Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng – IPO (dự kiến trong năm nay) đã được kéo giảm từ 70 – 80% (phương án cũ) xuống còn 65 – 75% vốn điều lệ. Theo phương án cũ, Vietnam Airlines đề xuất lộ trình hai bước trong cổ phần hoá hãng. Cụ thể, bước một, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ sau khi IPO là 70 – 80%.
Căn cứ vào nhu cầu huy động vốn mua tàu bay, tổng công ty sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu để huy động vốn, đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ từ 65 – 75% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã được xác định là 8.942 tỉ đồng.
Vietnam Airlines có quy mô thứ ba Đông Nam Á vào năm 2015
Đối với kế hoạch thoái vốn tại một số đơn vị ngoài ngành, hoặc doanh nghiệp có mức độ ảnh hưởng đến tổng công ty ở mức thấp, bao gồm các đơn vị kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản và các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, chậm nhất là đến hết năm 2015, Vietnam Airlines sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại mười đầu mối, trong đó điều đáng chú ý như đối với ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương, tổng công ty cổ phần Bảo Minh, công ty cổ phần chứng khoán Hoà Bình, cổ phiếu France Telecom, công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn... Dự kiến, “đích” của đợt tái cơ cấu này là nhằm cải thiện kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong giai đoạn 2012 – 2020, theo đó, doanh thu vận tải hàng không trong tám năm tới đạt 43,5 tỉ USD, lợi nhuận vận tải hàng không đạt 0,63 tỉ USD, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1,08 tỉ USD. Đến năm 2015, Vietnam Airlines sẽ trở thành hãng hàng không tiên tiến, có quy mô thứ ba trong khu vực, với chất lượng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế bốn sao.
“Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines đã đáp ứng được yêu cầu về nội dung của đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và có tính khả thi trong triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt”, bộ trưởng Đinh La Thăng nhận xét.