Tái cơ cấu như Bianfishco sẽ được DATC nhân rộng
Ông Thường cho biết, DATC mua nợ, xử lý tồn tại tài chính và đang trong tiến trình chuyển Tổng công ty tơ tằm Việt Nam (Viseri) thành công ty cổ phần theo phương án được duyệt. Căn cứ kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2011 (giá trị thực tế của Viseri là 327,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 122,8 tỷ đồng), DATC đã xóa một phần nợ để cân đối tình hình tài chính giúp Viseri đủ điều kiện cổ phần hóa.
Sau tái cơ cấu, Viseri sẽ có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó, DATC nắm 51%,43,38% chào bán ra ngoài. Ngày 22/11, Viseri đã chào bán 4.338.000 cổ phần (chiếm 43,38% vốn điều lệ) ra công chúng theo quy chế đấu giá cổ phần lần đầu. Do mới bán được 861.400 cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, nên Viseri đang báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh lại cơ cấu vốn điều lệ để kịp tổ chức đại hội cổ đông lần đầu vào đầu năm 2013.
Đối với trường hợp Bianfishco, theo ông Thường đây là hướng đi mới. DATC không trực tiếp bỏ tiền mua nợ thực hiện tái cơ cấu, mà đứng vai người dàn xếp để cổ đông và các chủ nợ tự thỏa thuận xử lý. Xu hướng tái cơ cấu tương tự như Bianfishco sẽ được nhân rộng, bởi hiệu quả tái cơ cấu theo xu hướng này đã được kiểm chứng. Vừa qua, Công ty cổ phần Thủy sản Phương Nam cũng đã khởi động tái cơ cấu theo cách thức này.
Về hiệu quả hoạt đông, tới nay, DATC đã mua tổng cộng khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng thông qua 120 phương án và đang đàm phán để mua khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu khác. Trong 120 phương án mua nợ, có 77 phương án xử lý theo hình thức tái cơ cấu doanh nghiệp và đến nay đã hoàn tất được 47 phương án.
Nguồn Báo Đầu tư