Tái cơ cấu nền kinh tế: Vì sao chậm?
Theo GS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có 3 nhóm nguyên nhân chính khiến tái cơ cấu chậm. Thứ nhất, là do Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng lệch khi dựa vào vốn "dễ", mô hình tăng trưởng đánh đổi bằng lạm phát. Điều này cũng "trói" doanh nghiệp trong nước bởi lãi suất cao, khuyến khích nhập khẩu, hạn chế sản xuất nội địa, triệt tiêu công nghệ hỗ trợ với tỷ giá hối đoái cố định và đặc biệt là khuyến khích đầu cơ.
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, thực tế quá trình tái cơ cấu tại Việt Nam cho đến nay chưa hề động chạm tới mô hình tăng trưởng.
Nhóm nguyên nhân thứ hai được chỉ ra là việc cơ chế cạnh tranh "yếu", gây méo mó giá cả thị trường, thậm chí đưa ra tín hiệu sai, dành ưu thế độc quyền cho một khu vực, không khuyến khích tư nhân kết nối và cạnh tranh. Cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam rất phi thị trường.
Cuối cùng, việc không làm rõ cơ chế thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường, cố giữ cơ chế cũ như xin cho, quan nhiệm DNNN là chủ đạo, can thiệp hành chính và duy trì trách nhiệm tập thể cũng là nhóm nguyên nhân được TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cổ phần hóa DNNN nhưng Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối thì sẽ vẫn duy trì cơ chế quản trị cũ và như thế không ai muốn mua, ông Thiên nhấn mạnh. Mặc dù muốn thoái vốn ngoài ngành nhanh nhưng lại không muốn bán theo giá thị trường cũng là vấn đề khiến quá trình tái cơ cấu không thể vận hành.
Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây đã có những bước tiến đột phá mới như việc Thủ tướng cho phép thoái vốn ngoài ngành dưới mệnh giá hay việc gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể...
Nguồn Theo DVO