Thứ Hai | 18/02/2013 13:35

Tái cơ cấu nền kinh tế và câu chuyện niềm tin

Tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế vẫn là câu chuyện thời sự của năm 2013.
“Báo cáo với Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế không thể nói suông là tôi rất khẩn trương, rất quyết liệt, mà phải đưa ra kết quả có thể đo lường được bằng những tiêu chí cụ thể”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói với báo giới.

Chứa đựng sự sốt ruột cao độ mỗi khi được nhắc đến ở các diễn đàn kinh tế trong năm 2012 vừa qua, và vẫn sẽ là câu chuyện thời sự nóng hổi của 2013, đó chính là bước đi của đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có câu chuyện niềm tin vào công việc rất quan trọng này.

Những ngày rất cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ, một việc chưa từng có tiền lệ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012). Tại đây, điều được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh như một lý do để lần đầu tiên có hội nghị kiểu này là vì “nếu nghị quyết không đi vào cuộc sống thì không có ý nghĩa gì”.

Một trong số các nghị quyết đó đã được trích dẫn đậm nét tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, về các giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Tại đây, Thủ tướng đã nhắc lại mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội thông qua, trong đó có yêu cầu “đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế”. Và đây cũng là một nội dung lớn ở nghị quyết số 01 của Chính phủ với các yêu cầu cụ thể nhằm “thực hiện quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế”.

Tuy nhiên, nhìn lại cả tiến trình từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế còn nằm trong ý kiến riêng lẻ của một số vị đại biểu cho đến khi được thảo luận rộng rãi tại nghị trường và những điều tai nghe mắt thấy hiện nay thì sự quyết liệt trên giấy đã “mất thiêng” ít nhiều.

Bởi, ngay từ đầu kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2012, không ít vị đại biểu đã tỏ ra sốt ruột khi khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp, trong khi khó khăn của nền kinh tế ngày càng trầm trọng thêm. Thêm nữa, muốn nhìn thấu đáo nguyên nhân để có quyết sách, giải pháp mạnh mẽ cho quá trình này cũng khó, bởi thông tin về đề án từ báo cáo chung về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ khá mờ nhạt.

Còn báo cáo riêng về việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng ký chỉ được gửi đến các vị đại biểu trước phiên bế mạc của kỳ họp vỏn vẹn một ngày.

“Quá trình soạn thảo về cơ bản đã hoàn tất và Thủ tướng sẽ sớm phê duyệt”, là một trong số ít những thông tin được cho là lạc quan tại báo cáo này.

Và, vì tất cả các phiên thảo luận đều đã qua, nên mức độ sơ sài của nó cũng chỉ nằm trong nhận xét bên hành lang của một số vị đại biểu quan tâm mà thôi. Theo thông lệ, đi kèm các bản báo cáo mang tính chuyên đề của Chính phủ thường có ý kiến của một ủy ban chuyên môn của Quốc hội.

Ở trường hợp này, theo thông tin từ một số vị đại biểu, Ủy ban Kinh tế cũng đã có những bước chuẩn bị ý kiến về việc triển khai thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh khi các ý kiến về nội dung này còn đang sôi nổi trên nghị trường. Tuy nhiên, văn bản này đã không xuất hiện, cho đến tận khi kỳ họp đã bế mạc.

Từ quan điểm cá nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đầu năm mới 2013 đã nhận xét: việc thực hiện đề án có phần rời rạc và thiếu tính chất tổng thể vì mỗi bộ, ngành lại được phân giao xây dựng đề án riêng, chưa có cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp chung và theo dõi tiến độ thực hiện đề án tổng thể và các đề án thành phần.

Đây cũng là cảm nhận không chỉ của riêng ông Kiên. Là một trong những người chắp bút soạn thảo đề án, sự quan tâm của Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, đương nhiên là rất sâu.

"Tái cơ cấu nền kinh tế, cái đầu tiên ai cũng nói mà tôi cũng cho là đúng là phải làm cho luồng vốn nó chạy bình thường, đừng ép nó ra và cũng đừng ép nó vào. Ví dụ chưa xử lý nợ xấu mà ép tín dụng ra là không ổn, sẽ làm tăng nợ xấu và nhiều khi tiền không chạy vào sản xuất mà quay lại trả nợ ngân hàng", ông Cung trao đổi.

Cho rằng khá khó hiểu khi nhìn vào các bước đi và giải pháp để xử lý nợ xấu, vị chuyên gia này nhấn mạnh đến sự đòi hỏi Chính phủ phải nói rõ hơn về mục tiêu muốn đạt được trong xử lý nợ xấu là gì, mục tiêu của từng giai đoạn là thế nào, công cụ và biện pháp ra sao. Từ đó phải công bố cả tiêu chí để đo lường kết quả đạt được thì lúc đó mới tạo ra áp lực để tái cơ cấu.

Lấy ví dụ từ thông tin dùng quỹ dự phòng để giải quyết nợ xấu, Viện phó Cung bình luận rằng, năm ngoái cũng nói quỹ dự phòng tăng, năm nay cũng nói quỹ dự phòng tăng mà nợ xấu không giảm, cái đó cũng gây ra sự khó hiểu.

“Ngân hàng còn chần chừ, cái gì trong tầm tay đã nói được thì nên làm ngay để thị trường tin rằng thực sự đang làm, ít nhất cũng phải nhìn thấy một hệ thống đang chuyển động thì mới có thể tin rằng là nó sẽ đến đích chứ không nhìn thấy chuyển động mà bảo tôi đang chạy đây, tôi đang chạy đây thì khó tin được”, ông Cung nói.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện