Tái cơ cấu kinh tế cần bắt đầu từ đâu?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và đang lấy ý kiến rộng rãi từ công chúng. Theo dự thảo, có đến 10 nội dung hành động cụ thể, trong đó có mức lãi suất cho vay 5%. Thực ra, mức lãi suất 5% đã xuất hiện trên thị trường, nhưng đó là các gói cho vay ưu đãi lãi suất trong các lĩnh vực ưu tiên, hay mua nhà ở xã hội. Còn với những khoản vay đại trà, con số 5% thực sự quá lý tưởng. Nhưng liệu có khả thi?
Trên thực tế, dự báo kinh tế luôn là chủ đề rất khó. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Alan Greenspan trong cuốn sách “The Age of Turbulence” năm 2007 đã nói rằng thế giới có thể cần đến mức lãi suất 2 con số để kiểm soát lạm phát trong tương lai gần. Thế nhưng, lãi suất trên thế giới lại gần với con số 0% trong phần lớn thời gian từ đó cho đến nay.
Dù rằng thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như dự báo, nhưng việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một mục tiêu cụ thể để hướng đến là điều cần thiết. Đó là thông tin hữu ích cụ thể, hơn là một bản đề xuất chung chung. Dẫu vậy, các chuyên gia gần như tin rằng mức lãi suất 5% này chưa có cơ sở nào để dự đoán. Lãi suất thấp hay cao gắn liền với hiện trạng của các ngân hàng lúc này.
Câu chuyện quan trọng hiện nay là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với những khoản nợ xấu. Bài học từ Thụy Điển, hay những quốc gia châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc cho thấy nếu kiên quyết, thời gian xử lý nợ xấu từ thị trường mua bán nợ chỉ mất vài năm không phải là không thể. Tuy nhiên, cho đến nay VAMC, đơn vị xử lý nợ xấu của Việt Nam, vẫn chưa có tín hiệu tích cực nào.
Gần đây, các ngân hàng đã được kéo giãn thời gian trích lập dự phòng là 10 năm, thay vì 5 năm như trước, song đó mới chỉ là giải pháp tình thế. Tương lai của VAMC như thế nào phụ thuộc nhiều vào cơ chế pháp lý cần thiết để xử lý nợ xấu.
Trong trường hợp lạc quan nhất là VAMC thành công trong việc xử lý nợ xấu, liệu hệ thống ngân hàng có thể cấp vốn ra thị trường với mức lãi suất 5%?
Không phải ngẫu nhiên nhiều chuyên gia kinh tế đề cập đến việc phải bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng - cách xử lý thường thấy trên thế giới - để các tổ chức tín dụng có thể duy trì hoạt động. Mới đây, các chuyên gia IMF sau buổi làm việc với Chính phủ Việt Nam đã đưa ra con số 5 tỉ USD. Cũng có không ít chuyên gia kiến nghị trích một phần nguồn lực của Bảo hiểm Tiền gửi (hiện chủ yếu là mua trái phiếu chính phủ) để hỗ trợ các ngân hàng.
Tiền đâu để tăng vốn ngân hàng? Ảnh: Sơn Phạm |
Bối cảnh chung khi đó là các ngân hàng đã thu hẹp về mặt số lượng, ngân hàng yếu kém không còn hoặc quy về một mối thông qua M&A. Lượng vốn cũng quy tụ về một vài ngân hàng. Vốn điều lệ cũng buộc phải tăng lên vì đến năm 2018, có tới 70% ngân hàng thương mại thực hiện các yêu cầu của Basel II. Khi vốn tăng, các ngân hàng cũng có điều kiện mở rộng khả năng cho vay.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là tiền đâu để tăng vốn? Hiện nay ngân sách chính phủ bị thâm hụt nghiêm trọng và giải pháp tìm nguồn lực bên ngoài lại được đặt ra. Mới đây, Vietcombank vừa ký biên bản ghi nhớ với GIC (Singapore) về việc quỹ đầu tư này sẽ mua lại và sở hữu 7,7% cổ phần của Vietcombank sau khi phát hành thêm. May mắn là các ngân hàng vẫn còn công cụ nới room.
Nhìn chung, muốn lãi suất thấp thì hệ thống phải có tiền. Không bơm tiền tăng vốn vào các ngân hàng, cơ quan quản lý cũng có thể tái cấp vốn giúp các ngân hàng có thể bơm tiền ra thị trường với chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, lạm phát theo sau cũng là câu chuyện đáng quan tâm. Theo bản kế hoạch này, lạm phát kỳ vọng ở mức tương đương lãi suất là 5%.
Với chính sách tiền tệ, việc thay đổi lãi suất thường phải mất 6 tháng trở lên mới có hiệu lực trong nền kinh tế. Đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tới phải chăng là quá xa? Thực tế, nhiều tổ chức khi đưa ra dự báo đều phải có tầm nhìn xa, thậm chí từ 10 năm đến 20 năm. Theo “Báo cáo Việt Nam năm 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” năm 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và World Bank thực hiện, GDP bình quân đầu người đến năm 2035 của Việt Nam ước đạt 18.000 USD (tính theo PPP bằng USD năm 2011), trong kịch bản khả quan nhất. Thông thường, mục tiêu được đặt ra thường lấy con số GDP để làm đích đến cụ thể và chuẩn xác, hơn là mức lãi suất cụ thể, vốn chỉ là công cụ thay đổi trong ngắn hạn.
Tất nhiên, mục tiêu sẽ chẳng là gì nếu không bàn đến những bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu đó. “Công việc quan trọng mà Việt Nam phải làm là tăng cường nền tảng vĩ mô của nền kinh tế thị trường và phải đạt được những thành quả quan trọng nhất trong 5 năm tới”, báo cáo viết.
Vậy đâu là yếu tố quyết định cho bài toán nền tảng vĩ mô của Việt Nam? Đó là năng suất lao động, là yếu tố giúp phần lớn các nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (dù có tăng trưởng nhanh hay không).
Báo cáo trên cũng dẫn lại lời của Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, nói về tầm quan trọng của năng suất lao động như sau: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả. Liệu một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống về lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người lao động của quốc gia đó”.
Việt Dũng