Thứ Năm | 06/09/2012 14:50

Tái cơ cấu DNNN: Cần gỡ 6 điểm nghẽn cổ phần hóa

Khi những điểm nghẽn chính sách được khắc phục, cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô dần ổn định hơn, kế hoạch cổ phần hóa DNNN sẽ khả thi hơn.
Qua 20 năm triển khai lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sau 7 nghị định của Chính phủ về vấn đề này, Nghị định 59/2011/NĐ-CP hiện nay đã khắc phục cơ bản các bất cập trong công tác cổ phần hoá giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các phương án sắp xếp đã được Thủ tướng phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2015, trong bối cảnh thị trường tài chính và thị trường chứng khoán trong nước còn suy trầm là rất nặng nề.

Theo phương án sắp xếp đã được Thủ tướng phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2015, trong 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện tại, sẽ phải cổ phần hoá 573 doanh nghiệp, trong đó có các công ty mẹ của 1 tập đoàn, 5 tổng công ty 91, 51 tổng công ty 90...



Thạc sỹ Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng đổi mới, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp - Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho rằng, để có thể đi đến đích thì cần khẩn trương rà soát, sửa đổi cơ chế cổ phần hoá. Theo đó, cần giải quyết được 6 điểm nghẽn hiện tại.

Thứ nhất, rà soát điều chỉnh lại một số cơ chế tài chính về đất đai trong quá trình cổ phần hoá.

Qua theo dõi, hầu hết các địa phương đều không đưa ra ý kiến đối với phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hoá đúng thời hạn. Để tháo gỡ vướng mắc này, cần yêu cầu các bộ, địa phương, tập đoàn phải công bố công khai lộ trình và danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá hàng năm, làm cơ sở cho các cơ quan xây dựng lộ trình triển khai phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất theo quy định.

Đồng thời, nghiên cứu đưa ra quy định chỉ áp dụng hình thức thuê đất đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, bất động sản, vì quyền của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Đất đai là có thể quyết định giao hoặc cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, việc đánh giá lại tài sản cố định là hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp đã cho thuê, đã thu tiền thuê ngay một lần cho toàn bộ thời gian của dự án khi cổ phần hoá (như trường hợp của Tổng công ty Viglacera - Bộ Xây dựng) cũng cần được nghiên cứu, hướng dẫn.

Thứ hai, quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán lại kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp đối với 4 nhóm đối tượng: tập đoàn kinh tế; tổng công ty nhà nước; doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù và các doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ...

Quy định này nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, khối lượng công việc của Kiểm toán Nhà nước hàng năm là rất lớn, thời gian để thực hiện kiểm toán các đối tượng cổ phần hoá cũng không phải là ngắn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hoá.

Để tháo gỡ, có thể xem xét chỉ thực hiện kiểm toán lại đối với 2 đối tượng gồm: (i) các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế; và (ii) các công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, vì giá trị doanh nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền công bố là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện đấu giá bán cổ phần.

Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, địa phương, tập đoàn trong việc công bố công khai lộ trình và danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá hàng năm để Kiểm toán Nhà nước có cơ sở xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai kiểm toán theo quy định. Đối với việc thẩm định giá tài sản của các doanh nghiệp cổ phần hoá thì tổ chức tư vấn định giá phải chịu trách nhiệm, cơ quan Kiểm toán Nhà nước căn cứ kết quả thẩm định này để đưa ra ý kiến, chứ không tổ chức thực hiện thẩm định lại.

Thứ ba, cơ chế cổ phần hoá trước Nghị định 59 đã yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận, thu hồi các khoản nợ phải thu, phải trả khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Tuy nhiên, qua báo cáo của Thanh tra Chính phủ liên quan đến quá trình cổ phần hoá cho thấy, nhiều doanh nghiệp không tổ chức đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ dẫn đến phản ánh không đúng giá trị doanh nghiệp và ảnh hưởng tới việc bàn giao sang CTCP mới.

Do đó, Nghị định 59 đã bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hoá phải tiến hành đối chiếu toàn bộ khoản công nợ đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ không có khả năng thu hồi.

Trong quá trình triển khai đã có ý kiến đề xuất bỏ quy định này vì khó triển khai, mất thời gian, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông, xây dựng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Long, vẫn cần yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hoá thực hiện đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ phải thu, phải trả đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để phản ánh đầy đủ, đúng toàn bộ giá trị doanh nghiệp. Trong một số trường hợp đặc thù, sẽ xem xét cho xử lý theo hướng khác.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đề nghị điều chỉnh lại quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá, vì mất nhiều thời gian. Rõ ràng, vẫn cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu tư vấn.

Tuy nhiên, Chính phủ có thể cho phép điều chỉnh thẩm quyền quyết định lựa chọn tư vấn là ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp và đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, giá trị hợp đồng tư vấn thấp dưới 500 triệu đồng sẽ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Thứ năm, rà soát điều chỉnh các quy định ràng buộc đối với nhà đầu tư chiến lược theo hướng thực hiện phân cấp cho ban chỉ đạo cổ phần hoá xem xét, quyết định cụ thể đối với từng doanh nghiệp cổ phần hoá và được thực hiện thông qua các hợp đồng, mà không nên quy định cụ thể trong Nghị định các nội dung này để giúp doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn được đối tác chiến lược, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trầm lắng hiện nay.

Cuối cùng, cần bổ sung chính sách bán cổ phần ưu đãi cho người lao động tiếp tục cam kết làm việc cho doanh nghiệp sau chuyển đổi theo hướng tăng số lượng cổ phần được mua lên tuỳ theo nhu cầu và khả năng tài chính của họ, không phân biệt trình độ lao động.

Khi những điểm nghẽn chính sách được khắc phục, cộng với nền tảng kinh tế vĩ mô dần ổn định hơn, kế hoạch cổ phần hóa DNNN sẽ khả thi hơn và trở thành một động lực quan trọng trong Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện