Thứ Sáu | 07/11/2014 16:18

Tái cơ cấu đầu tư công diễn ra còn chậm

Tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả, đầu tư dàn trải vẫn tồn tại, chi ngân sách đã lên tới 72% GDP, chi trả nợ vượt 26% GDP.

Sáng 7/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng. Hội thảo nhằm thảo luận, phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, đầu tư công thời gian qua đã từng bước đi vào khuôn khổ nền nếp hơn, có cân đối. Hiệu quả đầu tư đã dần được cải thiện. Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn.

Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2011… Đầu tư từ khu vực nhà nước đóng góp đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh tổng cầu giảm, đầu tư từ các khu vực khác giảm sút.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù tình hình tái cơ cấu đầu tư công đã đạt chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn chậm; tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả, đầu tư dàn trải vẫn tồn tại. Chi ngân sách đã lên tới 72% GDP, chi trả nợ vượt 26% GDP…

GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh tế Việt Nam cho rằng: tái cấu trúc đầu tư công ở nước ta hiện vẫn chưa có dự án tổng thể, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu khuôn khổ thể chế gắn kết với nhau.

“Trong điều kiện cơ chế chưa chuyển đổi nhiều, đang tiếp tục chuyển đổi cần phải lựa chọn để làm sao cho đầu tư hiệu quả hơn. Trong khuôn khổ đầu tư công, cần phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ từ đầu tư công đến tài chính công, quản lý nợ công… Tất cả những cái đó phải đồng bộ với nhau và công khai, minh bạch. Nếu không sửa từng cái một, như xử lý nợ xấu liên quan đến khoảng 15 luật khác nhau thì phải có một Nghị quyết của Quốc hội đối với những điều cần phải sửa để hệ thống hoạt động thanh thoát hơn.

Nguồn VOV