Tài chính Việt "hút" doanh nghiệp Hàn
Sau một thời gian dài xây dựng nền tảng và ổn định các hoạt động, mới đây công ty chứng khoán có vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc KIS Việt Nam đã quyết định mở thêm phòng giao dịch tại quận 10. Và đây là địa điểm hoạt động thứ hai tại TP.HCM, nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới hoạt động tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Hồi đầu năm, KIS Việt Nam cũng nâng vốn điều lệ hơn 4 lần, từ 264 tỉ đồng lên hơn 1.112 tỉ đồng. “Mục tiêu Công ty hướng đến là có mặt trong tốp 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất Việt Nam vào năm 2016”, ông Oh Kyung Hee, Tổng Giám đốc KIS Việt Nam, nói.
Một tổ chức tài chính khác đến từ Hàn Quốc là Shinhan Investment cũng đặt niềm tin vào lĩnh vực dịch vụ chứng khoán khi mới đây quyết định thâu tóm toàn bộ vốn của Công ty Chứng khoán Nam An. Shinhan Investment là thành viên của tập đoàn tài chính Hàn Quốc Shinhan Financial Group.
Hồi tháng 6, một thành viên khác của Shinhan Financial Group kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm là Shinhan Life Insurance Corporation đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để thăm dò thị trường. Trong khi đó, ngân hàng thành viên đã hoạt động lâu năm tại đây là Shinhan Bank Việt Nam đã mở chi nhánh hoạt động thứ 13 tại Thái Nguyên và chuẩn bị mở thêm chi nhánh thứ 14 tại Hà Nội trong tháng 8 tới. Mục đích là nhằm gia tăng sức cạnh tranh trước đối thủ HSBC, ngân hàng nước ngoài có số lượng chi nhánh nhiều nhất Việt Nam hiện nay với tổng cộng 16 chi nhánh.
Chuyển hướng đầu tư
Dường như tư duy của người Hàn đối với Việt Nam đang có thay đổi lớn khi nhận ra cơ hội kinh doanh tại thị trường có 90 triệu dân này cộng với thu nhập ngày càng được cải thiện. Vì thế, sau làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất trước đây với ngọn cờ tiên phong là Samsung, LG, Changshin… giờ đây khẩu vị của các nhà đầu tư Hàn đang hướng vào khu vực có giá trị gia tăng cao hơn: dịch vụ. Trong đó, tài chính là ưu tiên hàng đầu như ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và thậm chí cả bảo hiểm mà người Hàn có mặt từ lâu.
Gần đây, Bảo hiểm Nhân thọ Samsung (Samsung Life) đã đánh tiếng muốn đầu tư vào thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Trong cuộc gặp với đại điện Bộ Tài chính, công ty này đã đề xuất được hợp tác với Tập đoàn Bảo Việt cũng như tham gia các đợt cổ phần hóa các công ty con của Tập đoàn. Sau thông tin trên, giá cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt đã liên tục tăng điểm và hiện hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, mức cao kỷ lục trong hơn 3 năm qua.
Trong trường hợp không thể hợp tác với Bảo Việt, Samsung Life sẽ thành lập doanh nghiệp bảo hiểm riêng tại Việt Nam. Việc tham gia của một công ty có tiềm lực tài chính lớn như Samsung Life được dự đoán sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh mới đáng kể trên thị trường bảo hiểm nhân thọ trong nước. Đây là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng cạnh tranh rất khốc liệt với các tên tuổi lớn như Prudential, Bảo Việt cùng các công ty có thị phần nhỏ hơn như PVI, Manulife, Cathay Life, Phú Hưng.
Bên cạnh lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp Hàn cũng hiện diện sâu trong các lĩnh vực giải trí, nhà hàng thực phẩm ở các thành phố lớn của Việt Nam như CJ, Lotteria... Lĩnh vực bất động sản thương mại và nhà ở cũng thu hút các nhà đầu tư Hàn. Lotte đang đẩy nhanh các thủ tục để phát triển khu phức hợp thông minh tại Thủ Thiêm trị giá 2 tỉ USD. Trước đó, công ty này đã mua lại 70% vốn tòa nhà Diamond Plaza và tiếp tục mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Một công ty khác là Namsan đã ký hợp tác với Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) để đầu tư dự án Khu dân cư và du lịch Bửu Long (Đồng Nai) có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu USD.
Tính chung, 6 tháng đầu năm nay, người Hàn tiếp tục là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam khi đạt 1,086 tỉ USD, chiếm 28,3% tổng lượng vốn cấp mới của các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê. Năm ngoái, Hàn Quốc cũng vượt qua các đối thủ nặng ký khác như Nhật và Singapore để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với 37,23 tỉ USD vốn đăng ký.
Nhìn lại quá khứ, dấu ấn và tác động của luồng vốn đầu tư Hàn Quốc đến nền kinh tế Việt Nam rất rõ nét. Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Việt Nam kể từ khi chính sách mở cửa, hội nhập với quốc tế được thực hiện vào những năm 1990. Những lĩnh vực đầu tư chủ yếu của người Hàn vào thời điểm đó là dệt may, da dày, lắp ráp điện tử nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ của Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới.
Đến năm 2009, mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia nhận được cú hích lớn khi Samsung chính thức vận hành khu phức hợp tỉ đô Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh và nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên bản đồ toàn cầu, đặc biệt là điện thoại thông minh. Theo chân Samsung, các nhà sản xuất Hàn Quốc khác cũng lần lượt chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.
Việc hai quốc gia vừa thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc cũng tiếp sức cho làn sóng đầu tư này. Một cuộc khảo sát đầu năm nay của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho thấy khoảng 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc - những doanh nghiệp đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hằng năm hơn 3% trong 3 năm qua - đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong năm nay nhờ những cơ hội đang mở ra từ các thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia.
Ở hướng ngược lại, hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc cũng mở ra các cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước với các ngành như thủy sản, đồ gỗ, các mặt hàng nông sản, dệt may.
Sơn Nguyễn