Thứ Ba | 21/08/2012 17:04

Tái cấu trúc Vinatex: Áp lực bảo toàn vốn đầu tư ngoài ngành

Mục tiêu bảo toàn phần vốn nhà nước đang làm khó kế hoạch thoái vốn của Vinatex tại các dự án đầu tư ngoài ngành..
Tìm 20.000 tỷ đồng cho dệt, nhuộm hoàn tất

Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đã được hoàn tất và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo Đề án, giai đoạn 2012- 2015, Vinatex sẽ dồn vốn để đầu tư vào đúng ngành nghề cốt lõi là đầu tư phát triển các dự án dệt, nhuộm hoàn tất, may mặc xuất khẩu, cung ứng vật tư, đào tạo…

Mục tiêu của Tập đoàn là đạt kim ngạch xuất khẩu 3,6 tỷ USD vào năm 2015 và nâng lên 5 tỷ USD vào năm 2020, giữ vai trò hạt nhân trong sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.



Theo Đề án, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm phục vụ khâu đầu, tức là các dự án dệt, nhuộm hoàn tất, từ nay đến năm 2015, Vinatex cần trên 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng. Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng việc huy động nguồn vốn lên tới 20.000 tỷ đồng trong 3 năm tới của Vinatex là rất khó khăn trong bối cảnh vốn của nền kinh tế eo hẹp như hiện nay.

Lâu nay, do thiếu vốn và không thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các nhà máy sợi, dệt nhuộm hoàn tất…, nên trong chuỗi giá trị của ngành, dệt may Việt Nam mới chỉ phát huy được sức mạnh trong công đoạn cuối cùng là may. Vì thế, Đề án tái cơ cấu Vinatex xác định, hoàn tất đầu tư vào dệt, nhuộm là chiến lược quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành dệt may, giúp tạo giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Không dễ thoái vốn ngoài ngành

So với các tập đoàn kinh tế khác, Vinatex có số vốn đầu tư ngoài ngành ít hơn, với 225/34.000 tỷ đồng vốn nhà nước, đầu tư vào 7 ngân hàng và 1 công ty chứng khoán.

Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex từng cho biết, Tập đoàn sẽ hoàn thành việc rút vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015 để tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đúng ngành nghề cốt lõi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Vinatex là, quá trình thoái vốn diễn ra trong thời điểm mà phần lớn các doanh nghiệp đều đang rất khó khăn về vốn, thị trường đi xuống. Vì vậy, ông Trường lo ngại, sẽ rất khó khăn cho Vinatex khi “thoái vốn, nhưng phải thực hiện mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn”.

Một trong những phương án được tính đến, là Vinatex tìm đối tác để chuyển nhượng số cổ phần tại các doanh nghiệp ngoài ngành mà mình đã đầu tư trước đó. Việc thoái vốn theo hình thức này sẽ giúp Vinatex thu hồi vốn nhanh, nhưng không dễ thu hồi số vốn đầu tư như ban đầu.

Rất có thể, khả năng khó bảo toàn vốn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc huy động vốn của Tập đoàn để phục vụ các dự án đầu tư cốt lõi cần phải hoàn tất trong giai đoạn 2012-2015. Không chỉ khó về huy động vốn, Vinatex còn gặp áp lực về nguồn nhân lực và thời gian xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh…

Ngoài ra, quá trình tái cấu trúc của Vinatex còn bị ảnh hưởng không nhỏ bởi bối cảnh tổng cầu tiêu dùng hàng may mặc thế giới bị sụt giảm mạnh, tương đương 10-15% so với năm 2011. Sự sụt giảm này đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc Vinatex. Đơn hàng nhỏ giọt, khó tiếp cận vốn vay khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn bị hao hụt.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện