Tái cấu trúc ngành lúa gạo từ doanh nghiệp
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cho thấy trong tháng 6, xuất khẩu gạo đạt 543.000 tấn, trị giá đạt 245 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 17,2% về trị giá so với tháng 5-2014. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu là gần 3,3 triệu tấn, đạt trị giá 1,47 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 41,3% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường Philippines tiêu thụ 687.000 tấn, chiếm 21% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Nói về nguyên nhân khiến giá và lượng xuất khẩu gạo giảm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, do Thái Lan đẩy mạnh bán gạo tồn kho làm giá giảm quá sâu, khiến xuất khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Gạo Việt Nam thiếu cạnh tranh với gạo Thái Lan nên mất dần thị trường, nhất là thị trường châu Phi.
Trong diễn biến có chiều xấu đi, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo nhìn nhận, mặc dù khó khăn ở nhiều thị trường nhưng Philippines sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo, bởi nước này sẽ phải tiếp tục nhập thêm gạo do bão lũ không thể tự túc được lương thực như tuyên bố đầu đầu năm ngoái của Chính phủ nước này.
Điều đó thấy rõ qua những động thái gần đây của Philippines. Chẳng hạn, hồi đầu tháng 4, Philippines đã ký hợp đồng nhập khẩu 800.000 tấn gạo Việt Nam sau một cuộc đấu thầu mở. Và đầu tháng 7 vừa qua, Philippines lại bất ngờ thông báo mời Việt Nam đấu thầu 200.000 tấn gạo bổ sung để tăng lượng dự trữ, ổn định giá cả, ngăn chặn lạm phát. Mới đây nhất, Philippines lại thông báo sẽ nhập khẩu thêm 400.000 tấn gạo.
Thêm vào đó, gạo Việt Nam đang có một số thị trường lớn là Trung Quốc, Indonesia. Các thị trường này ngoài sử dụng gạo cho người còn dùng số lượng khá lớn cho chăn nuôi. Do đó, Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội xuất gạo sang các thị trường trên. Hơn thế, giá gạo tại thị trường Trung Quốc đang có chiều hướng tăng cũng là một lợi thế cho Việt Nam.
Vai trò của doanh nghiệp lớn mờ nhạt
Philippines là bạn hàng quan trọng của Việt Nam nhưng mình phải làm việc cẩn thận bởi phía Philippines đang có hiện tượng đầu cơ tích trữ gạo. |
Một thông tin đáng lo ngại cho ngành lúa gạo là mới đây Mỹ đang “rục rịch” khởi kiện chống bán phá giá đối với gạo Việt Nam. Tuy nhiên, GS.Võ Tòng Xuân lại cho rằng đây là cơ hội để chúng ta điều chỉnh giá gạo chính xác hơn bởi trên thực tế, Việt Nam không bán đúng theo giá hạt lúa làm ra mà chủ yếu chạy theo giá rẻ. “Tới đây, chính sách của Việt Nam cũng phải thay đổi theo hướng thị trường trong nước bán gạo cho cán bộ công nhân viên với giá thấp hơn, miễn tiền thủy lợi phí còn khi xuất khẩu phải đưa tiền thủy lợi phí vào giá xuất khẩu. Nhà nước phải vay tiền ngân hàng nước ngoài để làm thủy lợi nhưng không tính vào giá hạt gạo. Người nông dân khi được tính giá cao hơn cũng phải đóng thuế để Nhà nước lấy tiền trả nợ ngân hàng”, ông Xuân nói.
Thêm vào đó, thông qua lần điều chỉnh giá này, giá gạo xuất khẩu sang thị trường lớn thứ 2 - Philippines sẽ được thiết lập mặt bằng giá mới. Nhìn vào thực tế gói thầu 800.000 tấn gạo cung cấp cho Philippines thời gian qua để thấy rằng chiêu cạnh tranh bằng giá rẻ của doanh nghiệp Việt Nam có tác động không nhỏ tới thị trường gạo Việt Nam. Do chào bán với giá quá “bèo”, Việt Nam đã mất đi khoản tiền khổng lồ, ước tính lên tới 23,2 triệu USD. Sau đó, các doanh nghiệp tham gia gói thầu này đã xin được trả lại hợp đồng do nếu bán theo mức giá và những điều khoản do Philippines tạo ra các doanh nghiệp nắm chắc phần lỗ.
Cũng qua thương vụ này, một lần nữa, “sức ì” của doanh nghiệp lại trở thành lực cản cho ngành lúa gạo. “Tình hình xuất khẩu gạo sáng sủa bởi bên Trung Đông vẫn có nhu cầu nhưng phải có doanh nghiệp đi ra nước ngoài tìm thị trường gạo bán thay vì mình chỉ ngồi một chỗ chờ thương lái tới mua, ép giá”, ông Xuân nói. Trong điều kiện hiện nay, việc cần thiết nhất trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp là tái cấu trúc các doanh nghiệp, tổng công ty lương thực.
“Tổng công ty lương thực không phải là nơi ‘bắt chẹt’ các công ty con mà phải là doanh nghiệp có những người am hiểu thị trường quốc tế chuyên đi tìm, mở thị trường. Ví dụ như nhu cầu Trung Quốc thế nào, Trung Đông, châu Phi ra sao để đem những đơn đặt hàng về cho công ty con. Từ đó, các tỉnh tổ chức sản xuất gạo theo đúng chất lượng, có thương hiệu”, ông Xuân khẳng định như vậy với phóng viên.
Nếu để các doanh nghiệp nhỏ ra thị trường nước ngoài tìm kiếm sẽ không có những người “sành sỏi” thương trường như những “đầu tàu” trong ngành lúa gạo (Tổng công ty lương thực 1 và Tổng công ty lương lực 2). Việc tái cấu trúc như vậy chắc chắn sẽ làm thay đổi được ngành lúa gạo, nông dân sản xuất không sợ bị ép giá.
Nguồn Báo Hải quan