Thứ Bảy | 18/10/2014 08:09

Tái cấu trúc ngân hàng qua lăng kính quốc tế

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phương pháp thay đổi sở hữu, đóng cửa hoặc sáp nhập làm hệ thống ngân hàng thay đổi rõ rệt sau tái cấu trúc.
Ngược về quá khứ

Tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu đang là những vấn đề mà nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ. Thực tế cho thấy, đây không phải là vấn đề mới nhưng những phương cách của các nước áp dụng trước đây vẫn có thể xem là kinh nghiệm và bài học mà chúng ta có thể linh hoạt vận dụng hôm nay.

Khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997-1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là một trong những ví dụ. Cuộc khủng hoảng thời đó đã khiến hệ thống tài chính nhiều quốc gia phát triển và các nền kinh tế mới nổi chao đảo. Nhiều biện pháp ngắn và dài hạn được đưa ra, trong đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được nhiều quốc gia xảy ra khủng hoảng như các quốc gia ở châu Mỹ, châu Á và châu Âu hoặc bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng như Nhật Bản, thực hiện.

Với mỗi nước, do đặc thù hệ thống tài chính khác nhau nên các cách thức để giải quyết bài toán tái cấu trúc, xử lý nợ ngân hàng, thứ tự ưu tiên xử lý các công việc và mức độ thành công cũng khác nhau. Việc áp dụng biện pháp nào tùy thuộc vào sự lựa chọn, căn cứ vào đặc điểm kinh tế, chính trị, môi trường pháp lý của từng quốc gia. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phương pháp thay đổi sở hữu, tư nhân hóa, đóng cửa, sáp nhập ngân hàng làm hệ thống ngân hàng thay đổi rõ rệt sau tái cấu trúc.

Bên cạnh đó, một số nhóm giải pháp như: Tăng cường niềm tin; Thiết lập cơ sở pháp lý cho việc tham gia của Chính phủ trong xử lý ngân hàng đổ vỡ - một đạo luật khẩn cấp; Thiết lập cơ chế can thiệp vào ngân hàng gặp vấn đề; Cơ chế tối đa hóa giá trị thu hồi của các tài sản xấu thực hiện trong nội bộ ngân hàng hoặc chuyển tài sản xấu sang một cơ quan quản lý tài sản… được xem là những giải pháp mang tính cơ bản.

Có lẽ, nhiều người vẫn còn nhớ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào ở một số quốc gia trong khu vực: giảm giá tài sản, mất giá tiền tệ, thị trường chứng khoán sụp đổ, hàng loạt ngân hàng phải đối mặt với tình trạng thua lỗ lớn, nguy cơ mất khả năng thanh khoản hoặc phá sản… là những vấn đề nghiêm trọng phải đối mặt.

Trong bối cảnh đó, các nước buộc phải đặt ra kế hoạch tái cấu trúc hệ thống tài chính, nhằm vượt qua khủng hoảng và đưa nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh trở lại. Tuy nhiên, chi phí tài chính để xử lý nợ và tái cấu trúc là rất lớn. Ước tính chi phí tái cơ cấu của Thái-Lan, Indonesia và Hàn Quốc lần lượt là 43,8%, 56,8% và 31,2% trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Giải pháp

Đứng trước tình huống đó, giải pháp để xử lý khủng hoảng, xử lý nợ xấu và tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong giai đoạn này tại khu vực châu Á được chia thành hai nhóm chính: giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn.

Với nhóm giải pháp xử lý trong ngắn hạn, có 4 giải pháp quan trọng được áp dụng đó là: hỗ trợ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi toàn bộ, kiểm soát vốn và gia hạn nợ, đóng cửa các tổ chức tài chính. Trong đó, giải pháp hỗ trợ thanh khoản được đặt lên hàng đầu.

NHTW tại các quốc gia khủng hoảng đã sử dụng các công cụ khác nhau với vai trò người cho vay cuối cùng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tài chính để bù đắp lại lượng tiền gửi và cho vay bị rút ra ở một số tổ chức, chủ yếu thực hiện với đồng nội tệ. Một số quốc gia thực hiện chính sách cho phép NHTW quay vòng thanh khoản từ các ngân hàng có lãi sang các ngân hàng thua lỗ từ hoạt động cho vay, giúp các ngân hàng duy trì hoạt động trong giai đoạn bắt đầu khủng hoảng và xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt. Chính sách này phát huy hiệu quả ở Hàn Quốc và Thái Lan.

Bảo hiểm tiền gửi toàn bộ cũng là giải pháp được áp dụng thứ hai. Theo đó, để ổn định khả năng huy động vốn của các ngân hàng và tránh khỏi những khủng hoảng của hệ thống ngân hàng, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã áp dụng chính sách bảo hiểm toàn bộ đối với người gửi tiền và các chủ nợ với mục tiêu tạo ra niềm tin trong hệ thống ngân hàng, tạo ra thời gian cần thiết cho việc tái cấu trúc, duy trì hệ thống thanh toán. Đối với trường hợp khủng hoảng mang tính hệ thống, bảo hiểm toàn bộ là rất cần thiết.

Đối với nhóm giải pháp dài hạn, để giải quyết triệt để những hậu quả của khủng hoảng tài chính, yêu cầu đối với các quốc gia là phải tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế và đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các quốc gia có những lựa chọn khác nhau nhưng điều kiện cần là phải phân bổ trách nhiệm, quyền lực cho các cơ quan chức năng thực hiện tái cấu trúc, có thể là thành lập một cơ quan riêng biệt hoặc giao trách nhiệm cho một cơ quan có sẵn hoặc có thể giao cho nhiều cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện nhưng với nguyên tắc nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhất để thực hiện tái cấu trúc với chi phí tài khóa thấp nhất.

Bước thứ hai trong việc thực hiện chiến lược dài hạn để giải quyết khủng hoảng là thực hiện xử lý các tổ chức có vấn đề, có thể kể tới như đóng cửa, sáp nhập, mua lại các tổ chức. Khi áp dụng các giải pháp này cần phải xem xét đến lợi ích của các bên liên quan như chủ sở hữu, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Chính phủ, người gửi tiền… cũng như hành lang và các quy định pháp lý.

Bước thứ ba, Chính phủ của các quốc gia thực hiện xử lý nợ xấu. Xử lý nợ xấu là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình tái cấu trúc. Mục tiêu của Chính phủ là tối đa hóa giá trị thu hồi từ tài sản xấu trong hệ thống, tối thiểu hóa việc sử dụng ngân sách và hạn chế thiệt hại của người gửi tiền. Chiến lược tối ưu trong quản lý và xử lý tài sản xấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất, quy mô tài sản, hệ thống pháp lý, cấu trúc hệ thống ngân hàng, năng lực quản lý để lựa chọn phương án xử lý và cấu trúc tập trung hoặc phi tập trung của các công ty quản lý tài sản.

Trong vòng 4 năm (từ 1997 đến 2001), với những đối sách và bước đi hợp lý, các nước bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng 1997 - 1998 đã vượt qua cơn bão và đạt được sự phát triển ổn định hơn một thập kỷ qua. Sau khi tái cơ cấu, hệ thống tài chính của các nước này cũng hoạt động hiệu quả, an toàn và minh bạch hơn.

Qua thực tiễn xử lý ở các nước nói trên, có thể thấy, tái cơ cấu chủ động là giải pháp rất quan trọng, giúp tránh được cuộc khủng hoảng hệ thống, đảm bảo hoạt động ổn định cho các thành viên của hệ thống, đặc biệt là khả năng tiết kiệm rất lớn chi phí.

Bởi, dù tái cơ cấu chủ động hay bị động, thì nguồn lực tài chính để tiến hành tái cơ cấu là rất lớn. Ví như ở Nhật Bản, mặc dù đã áp dụng giải pháp tái cơ cấu chủ động nhưng chi phí cũng đã chiếm tới 19,87% GDP. Nguồn chủ yếu để tái cơ cấu, đặc biệt trong trường hợp bị động, là đi vay các tổ chức quốc tế và các khoản vay này thường kèm theo các điều kiện ràng buộc khắc nghiệt.

Tái cấu trúc là một quá trình dài hạn, trong đó có thể sẽ phải chấp nhận các khó khăn ngắn hạn. Tuy nhiên, khi xảy ra các cú sốc trong ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thường có phản ứng dây chuyền. Do vậy cần cân nhắc các biện pháp trong ngắn hạn và dài hạn để có hiệu quả tốt nhất.

Thông thường, nó được áp dụng thông qua 4 nhóm giải pháp chính: Tăng cường niềm tin; Thiết lập cơ sở pháp lý cho việc tham gia của Chính phủ trong xử lý ngân hàng đổ vỡ; Thiết lập cơ chế can thiệp vào ngân hàng gặp vấn đề; Thiết lập cơ chế tối đa hóa giá trị thu hồi của các tài sản xấu. Việc kết hợp các nhóm giải pháp có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành công của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

TS. Nguyễn Văn Thạnh, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện