Tái cấu trúc ngân hàng, nhìn từ một loạt thay đổi nhân sự cấp cao vừa qua
Giữa tháng 1/2013, ông Lê Xuân Vũ – nguyên là một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) – chính thức trở thành Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank).
Sau đó, cũng trong tháng 1, Ngân hàng Quốc tế (VIB) bổ nhiệm ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc khối nguồn vốn và ngoại hối lên vị trí Tổng Giám đốc thay bà Dương Thị Mai Hoa – từ nhiệm để chuyển sang làm Tổng Giám đốc khối ngân hàng Doanh nghiệp tại ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank).
Tháng 3 và tháng 4/2013, tiếp tục diễn ra các đợt bổ nhiệm ở nhiều ngân hàng như: ông Cao Văn Đức đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) thay ông Nguyễn Duy Hưng – chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Trịnh Ngọc Khánh trở thành Tổng Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); ông Trần Ngô Phúc Vũ Tuấn đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc ngân hàng Nam Á thay ông Trần Anh lui về với vai trò thành viên Hội đồng Quản trị…
Ông Trịnh Ngọc Khánh (bên trái) nhậm chức Tổng Giám đốc Agribank |
Nghị quyết trung ương III khóa XI ban chấp hành trung ương Đảng tháng 10/2011 đã đưa ra 3 nội dung cần tập trung để giải quyết tình trạng này, trong đó có việc cơ cấu lại thị trường tài chính, đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính.
Vì vậy những biến đổi nhân sự cấp cao thời gian qua, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho toàn ngành. Với những nhân tố mới trong bộ máy lãnh đạo, sẽ có những thay đổi mới đến với hệ thống trong một chu kỳ mới đang bắt đầu.
Một giải pháp quan trọng khác được NHNN đưa ra là thúc đẩy hoạt động hợp nhất các ngân hàng, tổ chức tài chính có thanh khoản yếu kém vào các ngân hàng có quy mô lớn hơn, có tính thanh khoản tốt nhằm đảm bảo hệ số an toàn về vốn và các hệ số thanh khoản khác.
Trên thực tế đã có các thương vụ M&A được tiến hành như: hợp nhất ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), hay thương vụ ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)…
Giới phân tích nhận định, năm 2013 sẽ còn tiếp tục chứng kiến nhiều vụ M&A giữa các ngân hàng, bởi đây cũng là xu hướng phổ biến ở các nước đang phát triển và Việt Nam cũng ở trong xu thế chung này. Do đó biến động nhân sự ở các cấp sẽ tiếp tục diễn ra là điều đương nhiên.
Mua bán và sáp nhập, thay đổi thành phần ban lãnh đạo, các ngân hàng thương mại bên cạnh đó cần có những thay đổi về chất trong chính sách và chiến lược, để những thay đổi đó thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả.
Nguồn Dân Việt