Tái cấu trúc CTCK: Chặng đường còn dài phía trước
Trong năm 2013, nền kinh tế của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực và đi cùng với sự phát triển đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tăng trưởng tương đối vững chắc. Kết quả kinh doanh trong năm 2013 cho thấy có trên 30% công ty chứng khoán có lãi lũy kế.
Tổng số 104 công ty chứng khoán hiện nay có vốn chủ sở hữu thời điểm 31.12.2013 khoảng 36.910 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động công ty chứng khoán bao gồm 114 chi nhánh, 41 phòng giao dịch, 4 văn phòng đại diện. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư mở tại công ty chứng khoán đạt 1.287.576 tài khoản với 1.271.858 tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 15.718 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của các đợt suy giảm thị trường trước đây, hoạt động của các công ty chứng khoán vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những công ty chứng khoán tốt thì kết quả kinh doanh ngày càng tốt, những công ty chứng khoán trước đây bị lỗ lũy kế thì hiện nay vẫn chưa khắc phục được.
Phần lớn các công ty chứng khoán sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn trong năm 2014. Trên 60% công ty chứng khoán (58/94) tiếp tục bị lỗ lũy kế trong năm 2013, có 5 công ty bị đặt trong tình trạng kiểm soát và 9 công ty ở diện kiểm soát đặc biệt. Đây là số liệu về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trong năm 2013 vừa được Bộ Tài chính tổng kết.
Còn theo báo cáo từ phía, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã quyết định rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 6 công ty chứng khoán, nghiệp vụ tự doanh của 2 công ty, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 4 công ty và rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán của 1 công ty trong năm 2013.
Ngoài ra, cơ quan này cũng chấp thuận đề nghị xin hợp nhất của 2 công ty chứng khoán, giải thể đối với 3 công ty, và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 2 công ty. Như vậy, kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay, đã có 15 công ty chứng khoán không còn hoạt động trên thị trường. Con số này dự kiến sẽ còn tăng trong năm 2014. Hiện còn một số công ty chứng khoán đang tiến hành hợp nhất, sáp nhập, song do thiếu một số điều kiện nên đề án chưa được thông qua.
Về tình hình sai phạm, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm qua đã có 66 cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ và bất thường về hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, công ty kiểm toán, giao dịch của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán. Nội dung các vi phạm được thanh tra phát hiện là: vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, quản trị công ty, kiểm soát nội bộ, ứng trước tiền mua chứng khoán, cho khách hàng vay chứng khoán để bán, lưu giữ tài liệu. Theo đó, đã có 102 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với các tổ chức và cá nhân, tổng số tiền phạt là hơn 7,7 tỉ đồng.
Điều này cho thấy, công tác tái cấu trúc công ty chứng khoán phải tiếp tục được thúc đẩy quyết liệt để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này ngày càng an toàn cho khách hàng theo quy định pháp luật. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, công tác tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán trong năm 2014 sẽ tập trung vào nhiều vấn đề cụ thể như đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) nhằm thống nhất theo chuẩn mực chung đã được xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Đề án Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm; xây dựng cơ chế và hệ thống CNTT vay và cho vay chứng khoán phục vụ cho việc thanh toán, bù trừ các sản phẩm phái sinh; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng và triển khai Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền TPCP từ ngân hàng thương mại (NHTM) sang NHNN.
Đề án TTCK phái sinh đã được hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, về tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, UBCKNN sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở phân loại và theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán; nâng cao năng lực tài chính, QTCty, quản trị rủi ro; hoàn thiện và triển khai giám sát hoạt động các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo phân loại; cho phép nhà ĐTNN sở hữu các tổ chức kinh doanh theo các cam kết WTO, khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín tham gia.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn để các công ty chứng khoán đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc thông qua giải pháp hợp nhất, sáp nhập. Ngoài ra, cơ quan này cũng yêu cầu từ năm 2014 các công ty chứng khoán phải tăng tần suất báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính lên 2 lần/tháng thay vì hàng tháng như trước đây.
UBCK cũng tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, phát triển và tái cấu trúc công ty chứng khoán như áp dụng thực hiện giám sát dựa vào rủi ro trên cơ sở Quy chế hướng dẫn phân loại và cảnh báo sớm các công ty chứng khoán (CAMEL) để có thể chủ động hơn trong việc giám sát, kiểm tra các công ty chứng khoán.
Khuyến khích các công ty chứng khoán thực hiện tái cấu trúc theo hướng hợp nhất để làm lành mạnh tình hình tài chính, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra định kỳ hoạt động công ty chứng khoán trên cơ sở phân loại công ty chứng khoán, xem xét xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tăng cường quản lý giám sát chặt hoạt động của công ty chứng khoán.
Đặc biệt đối với các công ty thuộc diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt. Xử lý nghiêm những công ty vi phạm quy định pháp luật để nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động của công ty chứng khoán.
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp