Tái cấu trúc công ty chứng khoán, cơ hội M&A cho khối ngoại
Thưa ông, trong thời gian qua, UBCK đã triển khai Đề án tái cấu trúc CTCK như thế nào?
Nội dung tổng thể của quá trình tái cấu trúc CTCK được thể hiện chi tiết tại Đề án tái cấu trúc các CTCK, mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt. Việc tái cấu trúc phải bắt nguồn từ nội tại của các CTCK. Trong thời gian qua, các CTCK đã có nhiều động thái tích cực cho hoạt động tái cấu trúc của mình, để đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính.
Để thực hiện Đề án tái cấu trúc CTCK, các biện pháp trọng tâm được triển khai trong năm 2012 là tăng cường năng lực quản trị và hoạt động của các CTCK, dựa trên ba trụ cột chính: quy định về tỷ lệ an toàn tài chính; quy định về hướng dẫn thông lệ khuôn khổ quản lý rủi ro cho các CTCK; quy chế về mô hình cảnh báo sớm để phân loại CTCK theo thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính của các CTCK, UBCK đã chính thức công bố danh sách 7 CTCK đầu tiên bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Số lượng các CTCK bị kiểm soát đặc biệt không dừng lại ở con số 7, mà sẽ được cập nhật theo từng tháng, thưa ông?
Ngoài danh sách 7 CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trong thời gian tới, UBCK tiếp tục công bố danh sách các CTCK bị kiểm soát đặc biệt theo định kỳ hàng tháng, nếu CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%. Cùng với đó, chúng tôi yêu cầu các CTCK bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt phải khẩn trương gửi phương án khắc phục tình trạng này lên UBCK, để theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Thưa ông, các CTCK không khắc phục được tình trạng bị kiểm soát đặc biệt sẽ phải giải thể, đóng cửa hoạt động?
Các CTCK rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt mà không khắc phục được tình trạng này và có lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ mà không có những biện pháp khắc phục, thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị đình chỉ hoạt động. Dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC hướng dẫn tổ chức và hoạt động CTCK đã hướng dẫn việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản CTCK.
Diễn biến trên sẽ tạo cơ hội M&A tốt cho các NĐT, nhất là NĐT nước ngoài có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý, thưa ông?
Thực tế, quá trình tái cấu trúc CTCK được Bộ Tài chính, UBCK triển khai quyết liệt từ đầu năm 2012 đến nay đang mở ra nhiều cơ hội M&A cho chính các CTCK, cũng như các đối tượng NĐT khác trong và ngoài nước muốn mua bán, sáp nhập với các CTCK Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các CTCK thực hiện M&A hoặc với các đối tác khác, trong đó có NĐT nước ngoài có tiềm lực tài chính, nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Theo ông, để thành công trong một thương vụ M&A với CTCK Việt Nam, NĐT nước ngoài cần lưu ý những điểm gì?
Điều quan trọng là các bên cần thống nhất nhận thức, M&A là hoạt động tự nguyện và phải tuân thủ các quy định pháp lý cũng như nguyên tắc thị trường. Khi thực hiện quy trình M&A, các bên cần chủ động thường xuyên công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, để NĐT, cổ đông nắm được.
Khi nhận được phản hồi, thắc mắc của cổ đông hoặc các bên có quyền lợi liên quan, CTCK cũng như đối tác M&A cần giải đáp kịp thời. Đây là điều không nên xem nhẹ, bởi xử lý không tốt có thể khiến CTCK đối mặt với những khiếu nại phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ M&A.
Với các đối tác nước ngoài muốn M&A với các CTCK Việt Nam, cần lưu ý đến yếu tố khác biệt về văn hóa, kể cả tập quán kinh doanh trên TTCK Việt Nam, để không chỉ đảm bảo cho quá trình M&A diễn ra suôn sẻ, mà còn đạt hiệu quả kinh doanh tốt hậu M&A.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán