Thứ Hai | 22/04/2013 10:48

Tách bạch chức năng ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tách bạch ở đây chủ yếu là tách bạch trên hệ thống quản lý và kế toán tài chính của NHTM, chứ không nhất thiết bây giờ phải sinh ra một ngân hàng chuyên đầu tư. Cùng với quá trình tách bạch đó, một hệ thống giảm sát, quản lý trong việc tách bạch này phải được thực hiện nghiêm ngặt.

Mô hình ngân hàng đa năng vốn rất thịnh hành ở châu Âu nhưng lại không phổ biến lắm ở một số nước phát triển khác.

Như tại Mỹ, đến năm 1999 mới có ngân hàng loại này vì quan điểm chung cho rằng, khi NHTM muốn kinh doanh trên thị trường tài chính rủi ro cao thì phải có công ty riêng, hạch toán riêng và không được để ảnh hưởng đến hoạt động của NHTM. Tách bạch chức năng ngân hàng đầu tư và NHTM là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ những rủi ro đầu tư chéo.

Để hiểu thêm về vấn đề tách bạch chức năng đầu tư và thương mại của NHTM, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, người đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này.

Ông là người nêu quan điểm cần tách bạch chức năng đầu tư và thương mại của các NHTM. Xin hỏi liệu việc mua vào trái phiếu chính phủ (TPCP) có được xếp vào chức năng đầu tư theo hàm ý của ông?

Không. Trong dải phân bố của lãi suất và rủi ro thì lãi suất thấp nhất là TPCP và đấy cũng là tài sản có rủi ro thấp nhất. Các khoản tiền gửi và tín dụng là ở mức trung bình về rủi ro; và cao nhất là các hoạt động đầu tư vào chứng khoán hay các dạng đầu tư rủi ro khác.

Sở dĩ cần phải tách bạch chức năng thương mại và hoạt động đầu tư là để tránh hoạt động đầu tư và đầu cơ trên thị trường tài chính ảnh hưởng xấu đến các NHTM. TPCP thì ở dạng hoàn toàn khác. Thậm chí TPCP còn được coi là một khoản dự phòng thanh khoản an toàn nhất cho các NHTM.

Chính vì thế đầu tư vào TPCP không thể coi là dạng đầu tư rủi ro. Nhưng đầu tư vào trái phiếu DN thì thậm chí còn rủi ro hơn đầu tư vào tín dụng, bởi đó là hoạt động đầu tư vào cổ phiếu, đầu tư vào các công cụ phái sinh khác nên tất yếu rủi ro sẽ lớn hơn.

Vậy nên hiểu thế nào cho đúng về việc tách bạch này. Có phải các NHTM chỉ nên duy trì chức năng NHTM; hoặc chuyên thực hiện chức năng đầu tư?

Tách bạch ở đây chủ yếu là tách bạch trên hệ thống quản lý và kế toán tài chính của NHTM, chứ không nhất thiết bây giờ phải sinh ra một ngân hàng chuyên đầu tư.

Ví dụ, thay bằng việc cho vay để đầu tư hay ủy thác đầu tư, ngân hàng thành lập ra những công ty chuyên đầu tư kinh doanh trên cơ sở hạch toán riêng và không được sử dụng các nguồn lực, tài sản của NHTM “ném” vào đó. NHTM sẽ không được phép huy động tiền gửi của dân để đưa cho các công ty chứng khoán (CTCK) hoặc đưa cho công ty bảo hiểm của họ kinh doanh.

Cùng với quá trình tách bạch đó, một hệ thống giảm sát, quản lý trong việc tách bạch này phải được thực hiện nghiêm ngặt.

Việc công ty đó do chính NHTM thành lập ra thì vẫn lo ngại khả năng “bơm vốn” từ ngân hàng sang?

Chính vì thế mới cần phải có hệ thống giám sát, quản lý chặt chẽ và chế độ hạch toán kế toán riêng. Chúng ta thấy khi một công ty, chẳng hạn công ty chứng khoán do NHTM thành lập, nhưng được hạch toán độc lập như vậy thì họ sẽ phải tìm các nguồn vốn dài hạn như có thể phát hành trái phiếu để đầu tư. Còn nếu để họ vay tiền từ ngân hàng để đầu tư thì hoạt động vẫn chẳng khác gì trước. Như vậy thì vô cùng nguy hiểm.

Cái chính cần tách bạch là NHTM được phép huy động tiền gửi tiết kiệm, còn tất cả các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác thì không được phép huy động tiền gửi. Hay nói cách khác là họ không được phép huy động ngắn hạn của dân mà phải có các hình thức huy động dài hạn như phát hành trái phiếu và đồng thời với đó phải chịu toàn bộ rủi ro, đó là chuyện đương nhiên.

Nhưng các công ty như vậy có thể dùng uy tín, thương hiệu của ngân hàng để huy động vốn; và nếu có rủi ro thì ngân hàng đó cũng bị ảnh hưởng?

Tất nhiên khả năng này cũng có. Nhưng nếu ngân hàng tuân thủ tốt tất cả các chuẩn mực về việc giám sát an toàn hệ thống thì điều này không đáng lo ngại. Bởi đã có quy định rất rõ là hoạt động đầu tư, ủy thác bị giới hạn trong những chừng mực nào; hoạt động trên thị trường trái phiếu DN sẽ bị giới hạn ra sao; hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng… phải có những giới hạn, “trạng thái” như thế nào so với vốn tự có của các NHTM để phù hợp với quy định. Còn nếu đấy là một CTCK thì lại hoạt động theo Luật Chứng khoán.

Đã có ngân hàng nào thực hiện việc tách bạch này chưa thưa ông?

Có rồi. Đơn cử, Vietcombank và CTCK của họ. Vietcombank là một trong những ngân hàng rất mẫu mực về chuyện này, tức là hoạt động của CTCK không liên quan gì đến hoạt động của ngân hàng.

Họ tuân thủ rất nghiêm ngặt: Hoạt động của ngân hàng theo đúng Luật TCTD trong khi hoạt động của CTCK theo đúng Luật Chứng khoán. Ngân hàng chỉ quản lý, giám sát CTCK đó theo những nguyên tắc của Luật Chứng khoán và những nguyên tắc quản trị của họ, chứ không “tuồn” vốn từ ngân hàng sang CTCK hoặc không bắt CTCK đó phát hành trái phiếu ra rồi chính ngân hàng lại mua hết.

Thực tế cũng đã có những NHTM “chơi” cách này: CTCK của họ phát hành trái phiếu, rồi họ dùng một công ty con nào đó của mình mua trái phiếu của CTCK. Sau đó ngân hàng lại cho công ty đó vay, hoặc là mua lại trái phiếu từ công ty con đó. Để hạn chế những hiện tượng như vậy thì cần sự hoạt động hiệu quả của hệ thống giám sát. Nếu hệ thống giám sát rõ ràng, minh bạch và nghiêm khắc thì những hoạt động như thế sẽ bị ngăn chặn.

Việc tách bạch này có phù hợp với lộ trình tái cấu trúc các TCTD đang diễn ra, thưa ông?

Hoàn toàn phù hợp, vì mục tiêu cuối cùng của tái cấu trúc là để có được hệ thống ngân hàng gồm những ngân hàng mạnh, hoạt động có hiệu quả và có khả năng phòng ngừa được các rủi ro chéo, ví dụ từ bất động sản sang ngân hàng; từ chứng khoán sang ngân hàng, từ ngân hàng sang chứng khoán; từ ngân hàng sang bảo hiểm; từ chứng khoán sang bảo hiểm…

Xin cảm ơn ông!

(Theo TBNH)