Ảnh: TL

 
Nguyên Linh Thứ Hai | 27/05/2019 14:00

Sức vóc của tập đoàn tư nhân

Niềm tin của nền kinh tế Việt Nam đang được đặt lên vai các tập đoàn tư nhân.

Dường như nền kinh tế Việt Nam đã nhận thức một cách rõ ràng chiếc chìa khóa để phát triển có thể không nằm ở thành tích tăng trưởng GDP. Với quy mô 240 tỉ USD, mức tăng trưởng 1% quy ra giá trị tuyệt đối chỉ là 24 tỉ USD, con số hết sức khiêm tốn, ngay cả khi so sánh với Indonesia hay Thái Lan, những nước có quy mô nền kinh tế lần lượt gấp 5 và gấp 2 lần Việt Nam. Nói cách khác, dù Việt Nam có chạy thì các nền kinh tế khác cũng chỉ cần đi bộ để vượt qua.

Việt Nam phải đối diện với nhiệm vụ kép: một mặt, mở rộng quy mô bằng cách duy trì tốc độ tăng trưởng kỳ vọng; mặt khác, nâng cao nội lực của nền kinh tế thể hiện bằng vai trò và sức mạnh của khối nội và thu nhập thực tế của người lao động. Qua hơn 30 năm, khối FDI chỉ ghi danh trong bảng vàng xuất khẩu còn không đem lại gì nhiều cho Việt Nam về công nghệ, lao động hay thuế. Tốc độ tăng luồng tiền chảy ra nước ngoài lớn hơn mức tăng trưởng GDP chỉ chứng tỏ thêm, Việt Nam vẫn luôn chịu thiệt.

Khối doanh nghiệp nhà nước càng khó có thể gánh vác nhiệm vụ dẫn dắt nền kinh tế. Không cần nói đến những dự án như Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, hàng loạt dự án nhiên liệu sinh học..., theo số liệu báo cáo Quốc hội tháng 10.2018, số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1,53 triệu tỉ đồng (khoảng 66,5 tỉ USD), bằng phân nửa so với tổng tài sản khoảng 3 triệu tỉ đồng.

Đúng với quy luật của mọi nền kinh tế phát triển trên thế giới, tại Việt Nam, kinh tế tư nhân phải trở thành động lực. Tuy nhiên, hiện tại, đây là điều chưa thể. Xét về cơ cấu, dù khu vực tư nhân chiếm 38,6% GDP năm 2016, trong đó, doanh  nghiệp  đăng  ký  chính  thức  chiếm 8,2%, khu vực hộ kinh doanh chiếm 30,43%.

Suc voc cua tap doan tu nhan
 

 Nhưng những tập đoàn tư nhân lớn sẽ là chỗ dựa, là bàn đạp giúp Việt Nam bứt phá trong tương lai. Sự lạc quan này là có cơ sở. Đã xuất hiện một định dạng mới trong nền kinh tế hiện đại với xương sống là khoa học, công nghệ thông qua các hoạt động R&D và bộ mặt là các tập đoàn đa quốc gia. Đó là những Huawei của Trung Quốc, Apple của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc, BMW của Đức, Airbus của Pháp hay Toyota của Nhật... Sức ảnh hưởng và khả năng dẫn dắt, nâng đỡ các thành phần kinh tế khác của các tập đoàn lớn này là không thể chối cãi và Việt Nam không là ngoại lệ.

Nếu biết lựa chọn ngành ưu tiên và hỗ trợ cho những người có khả năng thắng cuộc, như dự đoán của một vị chuyên gia kinh tế, 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ có được những “người khổng lồ”. Nhiều cái tên trong khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã xuất hiện như Vingroup, Thế Giới Di Động, Vinamilk, Doji, Thaco, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VPBank, Masan. Trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, số liệu tính toán đến cuối năm 2016, xét về doanh thu, các doanh nghiệp khối tư nhân tạo ra được 9,76 triệu tỉ đồng, chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp năm 2016. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 2,88 triệu tỉ đồng doanh thu.

Xe hơi VinFast, tòa nhà Landmark 81, Cầu Cổng Vàng, Cảng hàng không Vân Đồn, hãng hàng không Bamboo Airways... là những dấu ấn tiêu biểu của giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong thời gian qua. Thế nhưng, không thể nhắm mắt làm ngơ trước hiện thực đương nhiên không phải là màu hồng. Dù số lượng doanh nghiệp đông đảo, song thống kê cho thấy cấu trúc kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu 2 động lực chính là kinh tế hộ gia đình, góp hơn 31% GDP, và doanh nghiệp nhà nước với 28% GDP. Trong khi đó, kinh tế tư nhân mới chiếm phần nhỏ 12,2% GDP.

Suc voc cua tap doan tu nhan
 

Trong nhóm 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, dấu ấn hàng tiêu dùng, bất động sản, ngân hàng, thép và gia công công nghệ... là chủ đạo. Trong những ngành kinh doanh tận dụng nguồn lực đất đai và thị trường trong nước, dù có tài thao lược, vẫn chỉ là cuộc chơi trên sân nhà.

Làn sóng đón đầu công nghệ 4.0 với những sản phẩm smartphone hay ô tô xem ra chỉ là sự khởi đầu nhỏ. Đối với một nền kinh tế đã thiếu và yếu ở công nghiệp cơ bản, một sản phẩm làm ra tại Việt Nam nhưng phải nhập sắt thép, thuê đối tác nước ngoài thiết kế, sử dụng động cơ ngoại nhập thì người Việt thực ra chỉ làm khâu gia công và bán hàng. Phải chăng chúng ta sẽ “so bó đũa” để chọn người chiến thắng?

Lựa chọn đúng đắn vẫn nên là một thị trường minh bạch, sòng phẳng giữa mọi cấu thành của nền kinh tế như gợi ý của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam khi trao đổi với NCĐT: “Người chiến thắng sẽ do thị trường lựa chọn và chỉ bằng cách này, họ mới có thể trở thành những người khổng lồ thật sự”