Hiện có khá nhiều mô hình trường quốc tế cho các bậc phụ huynh chọn lựa, tùy vào định hướng tương lai cho con. Ảnh:T.L.

 
Thủy Ngọc Thứ Tư | 20/07/2022 07:00

Sức nóng trường quốc tế

Tiềm năng thị trường giáo dục Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều mô hình trường quốc tế, cả trong lẫn ngoài nước.

Việt Nam thuộc top đầu khu vực châu Á về số trường quốc tế và trường song ngữ, với hơn 100 trường, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Đây là kết quả của nhu cầu học trường quốc tế tăng mạnh trong những năm gần đây, theo đà tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.

Tiềm năng lớn
Phí học trường quốc tế ở Việt Nam khá đắt đỏ, từ năm 2019 đã vào khoảng 17.941 USD/năm (tương đương 420 triệu đồng/năm), đứng thứ 13 trên thế giới và cao thứ 4 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, theo khảo sát của ExpatFinder. Tuy vậy, nhiều cha mẹ vẫn không ngại đầu tư cho con cái học hành. Báo cáo Tài sản mới nhất của Knight Frank ước tính có khoảng 19.500 triệu phú USD tại Việt Nam (những người có tài sản ít nhất 1 triệu USD). Đến năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 25.800 người. 

 

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, đây chính là những người có nguồn tài chính dồi dào cho con theo học các trường quốc tế. Mọi gia đình trung lưu đều mong muốn con cái được học ở các trường quốc tế nói tiếng Anh để sau này có thể vào đại học tại những quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Úc, Anh và một số nước châu Âu khác. Một yếu tố khác thúc đẩy mô hình trường quốc tế là ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, mang theo gia đình và có nhu cầu tìm trường quốc tế cho con cái của họ. 

Du học là con đường được các gia đình có điều kiện ưu tiên lựa chọn. Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), cách đây 4 năm, số lượng du học sinh Việt Nam đã đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về du học tại Mỹ, với hơn 24.300 sinh viên, tăng 0,3% so với niên học trước đó. 

Để có thể thuận lợi trong bước đường du học, khảo sát từ Crimson cho thấy, các gia đình đã cho con theo học trường quốc tế bậc trung học phổ thông để được giáo dục toàn diện, đạt đủ trình độ tiếng Anh, có bằng cấp, chứng chỉ được công nhận quốc tế như IGCSE, A-Level hay IB. Bên cạnh đó, trường quốc tế có thể giúp học sinh tiếp cận môi trường đa văn hóa, hỗ trợ đắc lực việc ứng tuyển vào các trường đại học trên thế giới. 

Mô hình nào lên ngôi?
Theo Nielsen, cha mẹ Việt Nam sẵn sàng dành tới 47% chi tiêu của gia đình để đầu tư việc học của con. Còn theo một khảo sát năm 2020 từ Tổng cục Thống kê, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục với mức chi trung bình từ 17,8-25,3 triệu đồng mỗi tháng.

Theo một báo cáo của Tổ chức IB, 78,7% học sinh có bằng IB được chấp thuận vào Top 100 trường đại học hàng đầu
Theo một báo cáo của Tổ chức IB, 78,7% học sinh có bằng IB được chấp thuận vào Top 100 trường đại học hàng đầu. Ảnh: baotintuc.vn

Hiện có khá nhiều mô hình trường quốc tế cho các bậc phụ huynh chọn lựa, tùy vào định hướng tương lai cho con. Nếu là đầu tư chuẩn bị cho du học thì mô hình trường quốc tế giảng dạy theo chương trình tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate) sẽ phù hợp. 

Theo một báo cáo của Tổ chức IB, 78,7% học sinh có bằng IB được chấp thuận vào Top 100 trường đại học hàng đầu có tên trong những hệ thống xếp hạng đại học uy tín nhất như Harvard, Yale, Princeton, Birmingham, Cambridge... Học sinh đạt bằng tú tài IB còn có lợi thế trong việc nhận học bổng, miễn giảm tín chỉ đại học và các yêu cầu tuyển sinh khác.

Chương trình tú tài quốc tế IB hiện đang được dạy ở 5.400 trường tại 159 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, có một số trường dạy IB toàn phần, đạt thẩm định ở cả 3 cấp lớp (PYP - bậc tiểu học, MYP - bậc trung học cơ sở, DP - bậc trung học phổ thông) như Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS), Trường Quốc tế Hà Nội (HIS), Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC), Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), Bắc Mỹ (SNA)… 

Ngoài ra, hàng chục trường khác được ủy quyền giảng dạy chương trình IB từng bậc như Trường Quốc tế Canada (CIS), Trường Việt Úc (AIS), Trường Quốc tế Châu Âu (EIS), Trường Quốc tế Renaissance, Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), Trường Quốc tế Tây Úc (WASS), Trường Quốc tế Đức TP.HCM (IGS), Trường Quốc tế Saigon Pearl (ISSP)…

 

Tuy nhiên, để tiếp cận chương trình IB, học sinh phải có năng lực tiếng Anh ở mức tối thiểu IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 71, TOEFL CBT 194. Học sinh cũng phải đạt các điều kiện khác, ví dụ điểm cho 5 môn IGCSE bao gồm môn toán và tiếng Anh từ C trở lên hoặc tương đương. Học sinh học chương trình IB cũng phải học một ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha… Chương trình IB bao gồm 9 phần, với 6 môn học bao phủ cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nên học sinh sẽ cần khả năng học cân bằng, toàn diện mới theo được. Môn học Theory of Knowledge (Lý thuyết nhận thức) cũng gần như là một môn triết học về tư duy nên khá trừu tượng và khó trong khi bài luận 4.000 chữ trong môn học luận văn cũng là một thử thách đáng kể với học sinh phổ thông.

Ông Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia giáo dục độc lập, nhận xét: “Chương trình tú tài quốc tế có thể không phù hợp với học sinh có sức học yếu, nền tảng ngôn ngữ chưa tốt, có xu hướng thiên về một lĩnh vực cụ thể thay vì học mở rộng như IB”.

Để đáp ứng nhu cầu của những học sinh chưa thể chạm tới các điều kiện kể trên, ngoài hệ quốc tế (chương trình IB), các trường còn triển khai thêm hệ tích hợp. Chẳng hạn, Trường Quốc tế Saigon Pearl, thuộc tập đoàn giáo dục Anh Cognita đã kết hợp với tiêu chuẩn Mỹ để xây dựng giáo trình. Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội cũng đưa chương trình tiểu học quốc tế IPC, được giảng dạy trên 90 quốc gia trên thế giới vào giáo trình khối tiểu học. Chương trình STEAM gồm các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học được giảng dạy một cách khác biệt tại BIS Hà Nội. 

Một số trường chỉ tập trung vào song ngữ. Chẳng hạn, EMASI là hệ thống trường song ngữ quốc tế với cơ sở vật chất mang tiêu chuẩn quốc tế và giảng dạy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam kết hợp chương trình Cambridge. Tương tự, Trường Việt Úc, Việt Mỹ… cũng dạy theo chương trình Cambridge và được Cơ quan Đánh giá Giáo dục Quốc tế thuộc Đại học Cambridge (CAIE) công nhận là thành viên. Học sinh tại các trường này học xong sẽ thi lấy các bằng cấp quốc tế của Cambridge như Cambridge Checkpoints, bằng trung học cơ sở quốc tế IGCSE và A-Level. Còn hệ thống Trường Quốc tế Canada thì giảng dạy kết hợp chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với chương trình phổ thông Ontario. 

Đối với bậc mẫu giáo, EMASI thiết kế theo chương trình mầm non quốc gia Anh (Early Year Foundation Stage), kết hợp với phương pháp giáo dục Montessori. Trường Quốc tế Green Shoots, Em Maison thì chọn phương pháp Reggio Emilia cho bậc mầm non. 

Đầu tư vào giáo dục vẫn rất sôi động. Trong đó, M&A được đánh giá là xu hướng. Ảnh: Quý Hòa
Đầu tư vào giáo dục vẫn rất sôi động. Trong đó, M&A được đánh giá là xu hướng. Ảnh: Quý Hòa

Dù chọn chương trình gì, Cambridge, Oxford (Anh) hay Reggio Emilia (Ý), Ontario, Alberta (Canada) thì các trường vẫn có những chương trình đào tạo thêm về ngoại ngữ và thực hiện kiểm định. Tiến sĩ Mark A. Ashwill, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế của Mỹ tại Việt Nam, từng cảnh báo về 21 trường quốc tế không có kiểm định chất lượng tại Việt Nam. 

Cuộc chơi chuyên nghiệp

Để khẳng định uy tín và vị thế, SNA đã đạt kiểm định của WASC - Hiệp hội Các trường Phổ thông và Đại học Miền Tây Hoa Kỳ, đồng thời được chứng nhận của Hội đồng Các trường quốc tế (CIS). Hay Green Shoots cũng đã trở thành thành viên của COBIS và đạt chứng nhận của CIS. 

Đặc biệt, tháng 6/2021, Tập đoàn Giáo dục EQuest và các đơn vị thành viên gồm hệ thống trường liên cấp Newton, hệ thống giáo dục Alpha, hệ thống giáo dục thực nghiệm Victory, Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội, Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Trường St. Nicholas, iSMART Education và IvyPrep Education cũng đã đạt kiểm định quốc tế bởi Cognia - một trong những tổ chức kiểm định chất lượng lớn nhất tại Mỹ. Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch EQuest, chia sẻ: “Mục tiêu của EQuest sau thành công kiểm định Cognia là sẽ mang lại nhiều hơn nữa giá trị cho học sinh, phụ huynh và lan tỏa giá trị chung của tổ chức”.

Ở khía cạnh khác, đại diện Crimson lưu ý: “Phụ huynh cần khuyến khích con tham gia ngoại khóa ở trường, cũng như các công việc và cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo bên ngoài trường học”. Bởi với nhiều trường đại học trên thế giới, điểm số sẽ chỉ là một con số vô tri nếu học sinh không có khả năng suy nghĩ sâu sắc về thế giới, thích khám phá và biết cách đóng góp cho xã hội. 

Đây chính là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều nhà đầu tư nhảy vào mà mô hình trường âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Bùi là một ví dụ. Theo kế hoạch, ở các trường mầm non Em Maison tại TP.HCM, Bình Dương, Công ty Global Embassy của ông Thanh Bùi sẽ đưa vào trường các chương trình giáo dục âm nhạc của Ú Òa Music, chương trình Nghệ thuật thị giác của Học viện Nghệ thuật Thị giác đương đại Việt Nam (VCVAA), Yoga Kể chuyện của Yoga Planet, chương trình tiếng Anh với phương pháp English Immersion cùng nhiều hoạt động phát triển trí não, thể chất, khám phá và kết nối với thiên nhiên, thế giới xung quanh. 

“Điều quan trọng là các em được nuôi dưỡng trong một môi trường mang tính quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu nhưng vẫn am hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống của đất nước, quê hương”, ông Thanh Bùi cho biết.

Riêng đối với mảng giáo dục đại học (cao đẳng, đại học), các gia đình Việt Nam thường dành một nửa thu nhập để cho con đi du học. Mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 3 tỉ USD cho giáo dục ở nước ngoài. Vì thế, nếu giáo dục đại học ở Việt Nam có thể cải thiện chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam chọn học trong nước. 

Trong quá khứ, ngoài trường đại học quốc tế RMIT, Vietravel cũng từng đầu tư sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, HUTECH mua lại Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến... Đáng chú ý, FPT đã lập trường đại học từ năm 2006. FPT còn kết hợp với một số đối tác để mở các cơ sở đào tạo quốc tế như Greenwich Việt Nam (Anh), Swinburne Việt Nam (Úc).

 

Về phần Vingroup, sau thành công với mô hình giáo dục phổ thông liên cấp, Vingroup cũng đã thành lập Đại học VinUni. FLC thì lập đại học FLC và Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways. Tháng 3 năm ngoái, NovaGroup đã chính thức giới thiệu Nova Education Group, là hệ thống giáo dục liên cấp từ mầm non đến phổ thông trung học, cao đẳng, đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. TH Group, Phenikaa Group, SSG Group... cũng tham gia đầu tư giáo dục. 

Tuy nhiên, trong khi các ông lớn tham gia mảng giáo dục như một lĩnh vực trong hệ sinh thái thì Nguyễn Hoàng, Khôi Nguyên (KNE Group), EQuest chuyên với giáo dục. Dù có những trở ngại do dịch bệnh, Khôi Nguyên vẫn triển khai kế hoạch đầu tư của mình. Đó là xây dựng Trường Quốc tế Canada - Lào Cai ở Lào Cai, với tổng vốn đầu tư đến nay đã hơn 500 tỉ đồng. Hay từ niên học tới 2022-2023, Trường Quốc tế Him Lam Bắc Ninh sẽ tuyển sinh đầu tiên. Đây là trường sở hữu không gian học tập, cơ sở vật chất hiện đại với diện tích 22.000 m2.

Scotch College Adelaide (Úc) cũng chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2022 với việc ra mắt Trường Quốc tế Scotch AGS. Một số đại học Mỹ mở chi nhánh và cộng tác với các trường đại học Việt Nam như University of Hawaii, Troy University, Houston Community College.

Có thể thấy, đầu tư vào giáo dục vẫn rất sôi động. Trong đó, M&A được đánh giá là xu hướng. Mới đây nhất, trường Tiểu học - THCS - THPT Happyschool - Vũng Tàu đã chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 21 của EQuest. 

Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) sau 3 năm bán mảng giáo dục cho quỹ ngoại (năm 2019) cũng đã trở lại bằng việc mua lại Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TTC, không tiết lộ giá trị thương vụ nhưng cho biết: “Lý do TTC chọn Trường Đại học Yersin Đà Lạt để phát triển lại mảng giáo dục là vì Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu rất mát mẻ, ôn hòa… thích hợp làm nơi để học tập và trau dồi kiến thức không chỉ cho sinh viên đến từ mọi vùng miền của đất nước mà còn cả trong khu vực”. 

Giới đầu tư trong và ngoài nước đều nhìn thấy cơ hội từ đầu tư vào giáo dục khi Việt Nam có nền kinh tế, chính trị ổn định, có dân số đông (gần 100 triệu người) với hơn 60% dân số trong độ tuổi dưới 35, tức lứa tuổi cần đi học. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ người học ngoài công lập ở các cấp phổ thông là 3%, cao đẳng là 40%, còn đại học là 22,5%, theo Nghị quyết 35 của Chính phủ