Sức hút từ các tập đoàn đa quốc gia
Trong một báo cáo về hoạt động đầu tư vào thương mại toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố, Trung Quốc đã không còn là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài. Trong năm 2014, lượng vốn FDI của Nhật đổ vào Trung Quốc chỉ đạt 6,7 tỷ USD, tương đương 1/3 số vốn đổ vào khu vực ASEAN.
“Kể từ năm 2013, số công ty chuyển hướng đầu tư vào ASEAN đã nhiều hơn số hướng vào Trung Quốc”, Jetro nhận định trong bản báo cáo, đồng thời cho biết Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản tại ASEAN, trong đó lĩnh vực sản xuất thu hút được nhiều sự quan tâm nhất.
Tháng 6 vừa qua, ông Jang Sang-Wook, Tổng giám đốc Điều hành Công ty JNTC (Hàn Quốc) đã tới Vĩnh Phúc để chia sẻ kế hoạch đầu tư dự án sản xuất kính quang học tại Việt Nam. Dự án dự kiến có vốn đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu USD, cần 6 ha đất và sẽ tuyển dụng khoảng 2.000 công nhân. Giống như JNTC, Vina Anydo Electronics, một công ty khác của Hàn Quốc, đã quyết định chọn Vĩnh Phúc để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, gia công các linh phụ kiện dùng cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Dù quy mô dự án không lớn, vốn đầu tư không lớn, chỉ 700.000 USD và cũng chỉ sử dụng gần 2 ha đất để xây dựng nhà máy, song với mục tiêu giải quyết việc làm cho 252 lao động, lương bình quân 200-300 USD/tháng, đạt doanh thu 16,46 triệu USD/năm, thì đây cũng không hẳn là những con số quá nhỏ.
Với những nhà lãnh đạo TP.HCM và cả những địa phương lân cận, sự mở rộng đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn lớn trên thế giới tại Việt Nam đang hứa hẹn kéo theo một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam nói chung và ở hai khu vực miền Bắc và miền Nam nói riêng. Điển hình là kể từ khi tập đoàn Samsung đưa nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động vào năm 2009 đến nay, đã có hàng trăm công ty nước ngoài chuyên cung ứng các linh kiện và thiết bị điện tử theo chân tập đoàn này vào Việt Nam. Theo ông Jang Sang-Wook, JNTC cho biết, quyết định đầu tư vào đây là nhằm phục vụ hai tổ hợp sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, hai nhà tổ hợp sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới của Samsung.
Chỉ hai tuần sau khi tập đoàn Samsung khởi công xây dựng Khu phức hợp điện tử gia dụng có vốn đầu tư 1,4 tỉ đô la Mỹ tại TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà sản xuất phụ trợ đầu tiên của Samsung. Đó là dự án sản xuất kinh doanh linh kiện điện tử và màn hình LED của Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina. Dự án có tổng vốn cam kết 63 triệu đô la Mỹ, và được xem là tín hiệu đầu tiên của mục tiêu thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử sau khi Samsung quyết định đầu tư tổ hợp sản xuất lớn này tại TP.HCM.
Tuy nhiên, Samsung không phải là thỏi nam châm duy nhất thu hút các dự án FDI khác đến Việt Nam. Các tập đoàn lớn như LG, Intel, Microsoft, Mitsubishi Heavy Industries, hay General Electric cũng đã xây dựng các tổ hợp sản xuất lớn ở Việt Nam, kéo theo nhu cầu lớn về linh kiện và thiết bị phụ trợ. Trên thực tế, trình độ sản xuất các linh kiện và thiết bị phụ trợ của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn non trẻ và chưa đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Chính điều này đã tạo cơ hội lớn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nhận định, đang có một làn sóng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông cho rằng đây chính là tác động tích cực của các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Samsung hay LG mang lại, mà không thể đo đếm được bằng tiền.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chính sự xuất hiện của các tập đoàn lớn, với những dự án sản xuất quy mô lớn, đang biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Một nguyên tắc cơ bản trong chuỗi cung ứng toàn cầu là các tập đoàn đa quốc gia đầu tư đến đâu, các công ty cung ứng sẽ đầu tư theo tới đó.
“Nếu không có những nhà đầu tư như Samsung hay Intel, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài cũng sẽ không đầu tư vào Việt Nam”, ông Mại nói.
Công ty Tư vấn Bất động sản Cushman & Wakefield vừa qua cũng công bố bảng xếp hạng “Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất năm 2015”, trong đó xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong số các quốc gia mới nổi thu hút ngành sản xuất. Trong bảng xếp hạng của mình, Cushman & Wakefield cho rằng các dự án sản xuất hàng tiêu dùng nhanh sẽ bùng nổ ở Việt Nam nhờ vào các cơ hội đến từ thị trường bán lẻ. “Bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam xét trên phương diện chi phí cạnh tranh. Việt Nam đã bắt đầu được hưởng lợi từ việc chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng,” ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ.
Sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Microsoft, Samsung hoặc LG... đang thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các tập đoàn cung ứng đa quốc gia khác và cũng là tiền đề để phát triển kinh tế Việt Nam từ nguyên tắc cơ bản trong chuỗi cung ứng toàn cầu.