Thứ Sáu | 25/10/2013 21:02

Sức ép trả nợ công của Chính phủ ngày càng tăng cao

Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao.
Theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65% GDP. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) nhận thấy, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Trong bối cảnh hụt thu lớn, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội để nâng trần bội chi từ 4,8% GDP lên mức 5,3% GDP.

Trước thực tế này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công.

Đại biểu Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) đưa ra một số liệu đáng chú ý về nợ công. Bà Hường nói: "Hiện mỗi người dân gánh 826,4 USD nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm". Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) thì cung cấp thêm thông tin, Việt Nam đứng đầu trong top 5 ASEAN về nợ công.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự chưa tin tưởng vào con số nợ công mà Chính phủ đã báo cáo. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) đề nghị Chính phủ cần giải trình thêm về nợ công, báo cáo đã đầy đủ chưa, nếu tính 3 khoản cấu thành theo quy định thì chưa đủ.

Bà Tâm đặt câu hỏi: An toàn nợ công liệu có đúng như Chính phủ báo cáo không? Trần nợ công còn trong ngưỡng cho phép nhưng liệu có thực sự an toàn không? Chính phủ cần báo cáo rõ hơn thì Quốc hội mới có cơ sở để bàn về ngân sách, lúc đó mới có hiệu quả.

Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Trương Thị Ánh (đoàn TP HCM) cho rằng: Có một số khoản nợ chưa tính đủ. TPCP có đưa vào nợ công hay không? Chính phủ phải đưa đủ để thấy bức tranh nợ công như thế nào? Nợ bao nhiêu và khả năng trả nợ là bao nhiêu. Xu thế nợ công hàng năm tăng, nhưng nguồn để thu lại thì giảm. Đây là bài toán khó cho công tác điều hành.

Cùng chung lo lắng này, Đại biểu Trần Ngọc Hòa (đoàn TP HCM) cho rằng, phát hành 170.000 tỷ TPCP, dành hơn 60.000 tỷ cho 2 dự án giao thông nâng cấp quốc lộ 1a và quốc lộ 14. Trong 120.000 tỷ còn lại thì có 70.000 tỷ là để đảo nợ. Việc phát hành thêm trái phiếu để đảo nợ là không đảm bảo cân đối ngân sách. Chúng ta tiếp tục vay nợ để trả nợ là rủi ro.

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng bày tỏ lo lắng về tình hình nợ công nhưng cũng lưu ý rằng nợ tư cũng cần phải chú ý. Ví dụ các ngân hàng cho dân vay tiêu dùng như mua, sửa chữa nhà, sắm trang thiết bị… nhưng nếu không trả được nợ thì ngân hàng gặp khó khăn, để ổn định hệ thống thì Chính phủ phải có những biện pháp xử lý. Nếu không cẩn thận thì từ nợ tư sẽ chuyển thành nợ công. Câu chuyện này đã xảy ra tại Ailen, Hy Lạp. Câu chuyện kỷ luật ngân sách của chúng ta đã được siết chặt, nhưng có lẽ chúng ta cần phải thay đổi về tư duy. Chúng ta phải dự toán ngân sách theo kết quả đầu ra và phải gắn việc chi tiêu với kết quả công việc.

Nợ công - đã đến lúc phải giảm?

Đại biểu Hường kiến nghị cần phải một chương trình dài hạn để giảm nợ công xuống. Giữa bối cảnh nhu cầu vốn eo hẹp, theo bà Hường, việc phát hành trái phiếu của các địa phương cũng cần phải được đưa vào diện kiểm soát vì nếu không kiểm soát chặt, nợ công của địa phương sẽ gộp vào cùng với nợ công của chính phủ và lại khiến nợ công quốc gia tăng thêm.

Theo phân tích của ông Phùng Quốc Hiển, nợ công chúng ta tăng nhanh nhưng có một điểm mới nữa là chúng ta có chi trái phiếu từ nước ngoài cân đối ngân sách tăng lên, điều này đang dự kiến trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép sẽ chi trái phiếu thêm 170.000 tỷ, cộng với 75.000 tỷ trong kế hoạch trước đây là khoảng 240.000 tỷ. Con số này cho 3 năm, mỗi năm khoảng 80.000 tỷ cũng là nguồn lực để bù đắp vào phần hụt chi.

Hiện tại, theo ông Hiển, chúng ta đã vượt qua nước khó khăn, chuyển sang nước có thu nhập trung bình nên những ưu đãi ODA vay từ các định chế tài chính không cho thời gian, ân hạn, lãi suất không được như xưa nữa. Đây cũng là áp lực. Thứ hai, vay trong nước đến 80% đang vay ngắn và trung hạn, chỉ 20% là vay dài hạn. Đây cũng là áp lực lớn đến việc huy động vốn.

Phân tích về bản chất của bội chi lần này, ông Hiển cho rằng có điểm khác so với những lần trước. Điểm khác là không phải do tăng chi đầu tư hay tăng chi cho ngân sách mà chính là để bù hụt thu. Tất nhiên chúng ta cũng phải lưu ý, chính sách tài chính của chúng ta, chính sách tiền tệ phải đồng bộ với nhau.

Hiện tại, chính sách tiền tệ bắt đầu có xu thế nới lỏng dần, tăng trưởng tín dụng có giai đoạn lên trên 30% nhưng giảm dần xuống có lúc dưới 10%, cho nên chúng ta đang nâng lên, như năm nay là phấn đấu 12%. Nhưng tăng trưởng tín dụng 12% cũng khó khăn, vì các DN, nền kinh tế không thể hấp thụ ngay khoản tín dụng đó. Cộng với chi ngân sách, năm 2014 chỉ bố trí cho đầu tư cơ bản không được như 2013, chỉ dự kiến được 163.000 tỷ cho 2013 - 2014. Mà trong khi đó, dự toán NSNN 2013 là 175.000 tỷ và thực hiện là 201.000 tỷ và năm nay chỉ bố trí 163.000 tỷ.

Nguồn VOV News


Sự kiện