Chủ Nhật | 24/04/2016 18:22

Sức cạnh tranh yếu đang khiến cho hàng hóa của Việt Nam “đuối sức”

Sức cạnh tranh yếu đang khiến cho hàng hóa của Việt Nam “đuối sức”, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Sức cạnh tranh yếu đang khiến cho hàng hóa của Việt Nam “đuối sức”, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Làm sao để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa vẫn là câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo. 

Đuối

Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng lên 2,94 lần, từ mức 111,3 tỷ USD (năm 2007) lên mức 327,8 tỷ USD (năm 2015). Trong đó, NK tăng 2,6 lần và XK tăng 3,3 lần, tương ứng với kim ngạch 165,7 tỷ USD và 162,4 tỷ USD vào năm 2015. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, những kết quả trên chứng tỏ DN Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập và tự do hóa thương mại để XK hàng hóa.

Có cái nhìn không mấy lạc quan về vấn đề này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra dẫn chứng về khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Theo đó, trước đây, có 65% hàng hóa XK Việt Nam có chỉ số lớn hơn 1 (tức là có khả năng cạnh tranh- PV) nhưng con số này ngày càng giảm dần, thậm chí giảm mạnh xuống 8-9%.

Nhìn vào từng ngành hàng XK của Việt Nam có thể thấy rõ hơn điều này. Với mặt hàng cao su, kể từ năm 2012, ngành cao su liên tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trưởng thấp, nhu cầu nguyên liệu cao su cho lốp xe và sản phẩm cao su của ngành ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác tăng rất chậm, chỉ khoảng 1,8%. Hay mặt hàng gạo cũng rơi vào tình trạng tương tự. XK gạo mấy năm qua bị cạnh tranh gay gắt bởi các thị trường như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ… khiến cho giá XK bị giảm sâu, nước NK ép giá, dần nhường thị trường cho nước khác.

Ông Thành cho biết thêm, mặc dù XK của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK nên trừ nông sản ra thì giá trị gia tăng không nhiều. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là ngành hàng may mặc của Việt Nam. Mặt hàng dệt may tuy chiếm tới 14% tổng kim ngạch XK nhưng khối DN FDI chiếm tới 60% giá trị XK. Trong khi đó, giá trị gia tăng của ngành thấp, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc và chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng trung gian hiện đang NK nhiều nhất từ Trung Quốc, chiếm tới 65%. “Nói ‘người Việt dùng hàng Việt’ nhưng nguồn gốc nguyên phụ liệu như bông sợi, vải áo, chỉ, cúc… vẫn phần lớn nhập từ Trung Quốc. Do vậy, trong ngành dệt may không có khái niệm người Việt dùng hàng Việt”, ông Thành nói.

Không phủ nhận tình trạng trên, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, các ngành sản xuất của Việt Nam còn một số tồn tại, yếu kém cần phải cải thiện, cũng như đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Các DN quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế, sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm XK. “Ngoài một số DN tiên phong, vẫn còn những DN chưa thực sự chủ động nắm bắt, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thế giới, chưa đủ tự tin trong việc đầu tư cho hoạt động xúc tiến XK, khai thác thị trường”, vị Thứ trưởng này thừa nhận.

Trên thực tế, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước nhưng nhiều DN vẫn do dự, thiếu sự tự tin để tham gia khai thác cơ hội mở rộng thị trường.

Xúc tiến vẫn theo lối truyền thống

Có thể thấy, hội nhập bằng việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Cụ thể, thông qua các lộ trình cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng hơn khi thâm nhập vào các thị trường, các quốc gia đối tác trong các FTA, giúp mở rộng thị trường XNK, tránh phụ thuộc vào một thị trường. 

Đối với những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc NK từ các nước tham gia các FTA làm nguyên liệu đầu vào thì chi phí sản xuất sẽ giảm, tạo sức cạnh tranh về giá cho hàng hóa Việt Nam. Mặt khác, các DN Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận, sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu... phong phú hơn với giá thấp hơn và áp dụng những mô hình, phương thức quản lý mới, từ đó nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, cạnh tranh trong nước sẽ diễn ra gay gắt hơn do nguồn hàng NK, cạnh tranh cả về giá và chất lượng do gỡ bỏ mức thuế suất NK, hiện nay một số mức thuế suất giảm trung bình trên 10%. Ngoài ra, các DN cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu khắc nghiệt về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu để đảm bảo điều kiện thụ hưởng thuế suất ưu đãi... Đây chính là rào cản chính mà DN XK phải vượt qua để đạt được thành công trong XK.

Để những cơ hội từ các FTA không trở thành “bánh vẽ” thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó không thể thiếu vấn đề xúc tiến XK. Ông Thành nhìn nhận, câu chuyện xúc tiến thương mại truyền thống vẫn rất quan trọng nhưng cách tiếp cận này chưa đầy đủ. Xúc tiến thương mại thời buổi này còn phải gắn với dịch vụ, sản xuất, chuỗi giá trị, gắn với quy tắc xuất xứ trong các FTA, quan tâm cả về thị trường NK để biết đối tác nào cho chúng ta điều kiện nhập hàng tốt nhất. Ngoài ra, việc tiếp cận thị trường không chỉ là tiếp cận thị trường lớn mà phải tìm cách tiếp cận với một khối lượng người tiêu dùng khổng lồ, xúc tiến với người tiêu dùng tầng lớp giàu có, trung lưu, chi phối thị trường.

Cũng theo ông Thành, để người tiêu dùng các nước biết đến hàng hóa của Việt Nam, sử dụng hàng hóa đó đã là một thành công, nhưng để họ sử dụng hàng hóa đó lâu dài, lại là một câu chuyện khác. Việc này đòi hỏi các DN phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhất là trong giai đoạn công nghệ tự động hóa, công nghệ in 3D phát triển nhanh như hiện nay.

Đồng quan điểm trên, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho rằng, hơn bất cứ điều gì, việc tạo nên được các sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh là điều rất quan trọng. Để làm được điều này cần phải giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng sản xuất, nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất. DN nên áp dụng một cách linh hoạt các FTA đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực để cân nhắc việc có thể XK các sản phẩm với chi phí thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Nguồn Báo Hải quan