Sửa Pháp lệnh Ngoại hối phù hợp cam kết quốc tế
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 6 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh Ngoại hối đã nảy sinh một số vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, điển hình như các quy định về chính sách tỷ giá và quản lý thị trường ngoại tệ chưa phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường ngoại tệ Việt Nam và năng lực, trình độ của các đối tượng được phép tham gia thị trường ngoại tệ.
Thực tiễn hoạt động ngoại hối thời gian qua phát sinh những vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Pháp lệnh Ngoại hối.
Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối nhằm đảm bảo phù hợp với lộ trình hội nhập, tự do hóa giao dịch vốn nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện, thực trạng của nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam về khả năng vốn và năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro của các định chế tài chính.
Việc sửa đổi cũng còn nhằm đáp ứng mục tiêu phù hợp phạm vi sử dụng ngoại tệ trong nước; từng bước hạn chế sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thu hút nguồn ngoại tệ trôi nổi vào hệ thống tổ chức tín dụng và tiến tới hạn chế tình trạng sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.
Ý kiến của các thành viên Ủy ban trong phiên họp tập trung vào các nhóm quy định về Giao dịch vãng lai; giao dịch vốn; sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý vàng là ngoại hối; công tác quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước và hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.
Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ngoại hối, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý tính định hướng sửa đổi sao cho bắt nhịp được diễn biến của nền kinh tế hiện nay và đặc biệt là các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Pháp lệnh sửa đổi cũng phải nhanh chóng giải quyết tình trạng vàng hóa và đô la hóa đang gây ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế.
Cho rằng dự thảo lần này đã giải quyết được nhiều bất cập trong Pháp lệnh hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất trong hoạt động quản lý ngoại hối, các thành viên của Ủy ban cũng đề nghị, làm rõ sự tương thích của các quy định trong dự thảo đối với các cam kết quốc tế có liên quan của Việt Nam; quy định cụ thể hoạt động đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam sang nước ngoài liên quan đến ngoại hối.
Đối với vấn đề quản lý vàng và ngoại hối, các đại biểu tán thành với quy định như trong dự thảo Pháp lệnh, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước đa dạng hóa hơn việc dự trữ vàng và ngoại hối: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối Nhà nước; quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu vàng dưới dạng vàng khối, thỏi, hạt, miếng; quản lý vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú theo quy định của pháp luật".
Nguồn Vietnam+