Sửa Nghị định 58: Nới room là cần thiết
Nới rộng lệ sở hữu nước ngoài, quy định lại việc mua cổ phiếu quỹ, chào bán chứng chỉ quỹ ra nước ngoài, cổ phần hóa DNNN… là những nội dung cần được đổi mới để tạo động lực cho DN phát triển.
Có rất nhiều ý kiến góp ý cho các quy định cụ thể tại dự thảo, với lý do đây là cơ hội lớn để đổi mới pháp lý, tạo động lực cho DN đại chúng, DN niêm yết rộng cửa để lớn lên.
Cần quy định rõ về cổ phiếu quỹ
Liên quan đến cổ phiếu quỹ, ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết cho rằng, việc mua lại cổ phiếu quỹ quy định tại dự thảo chỉ được sử dụng bằng nguồn vốn phát triển sản xuất, thặng dư vốn là không phù hợp, bởi khi doanh nghiệp quyết định mua lại cổ phiếu quỹ thì từ nguồn nào cũng là vốn của doanh nghiệp, miễn là doanh nghiệp có đủ tài chính để mua lại.
Dự thảo còn nêu các trường hợp không được mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, trong đó có nội dung “mua lại hoặc thu hồi cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động”. Ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Câu lạc bộ Quản lý quỹ cho rằng, cần làm rõ hơn điều này. Theo ông Khánh, cổ phiếu quỹ là cổ phiếu được tổ chức phát hành mua lại, tức phải có hành động mua, trong khi dự thảo lại ghi là “thu hồi”. Nếu DN thu hồi bằng việc trả tiền cho người lao động thì chính là mua lại, nhưng nếu chỉ lấy lại và không trả tiền cho người lao động thì không phát sinh hành động mua, như vậy không phải là cổ phiếu quỹ. Việc này cũng không phát sinh bút toán trên báo cáo tài chính (BCTC) của DN.
Dự thảo quy định công ty “đang có nợ quá hạn căn cứ báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán” không được mua lại cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, ở đây thiếu việc làm rõ tiêu chí là nợ phải thu hay nợ phải trả quá hạn? Mấu chốt hơn, nếu căn cứ trên BCTC năm gần nhất thì không thể tìm ra khoản mục nợ quá hạn và thuyết minh nợ quá hạn, vì chưa có quy định doanh nghiệp phải công bố thông tin về khoản nợ quá hạn.
Về những điểm trên, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, không có một chuẩn mực kế toán nào quy định cụ thể phải thuyết minh nợ quá hạn trong BCTC, nhưng có quy định trong Chuẩn mực 21 là những khoản trọng yếu thì công ty phải thuyết minh. Do đó, trường hợp công ty kiểm toán xác định nợ quá hạn là trọng yếu thì DN sẽ phải thuyết minh, còn lại thì chắc chắn không DN nào muốn “vạch áo cho người xem lưng”.
Đối với quy định mua cổ phiếu quỹ phải có thặng dư, có lãi, Ban soạn thảo cho biết, tại Luật Doanh nghiệp mới (có hiệu lực từ 1/7/2015) có quy định cấm rút vốn dưới mọi hình thức, trong khi việc mua cổ phiếu quỹ về mặt bản chất là hình thức rút vốn ra khỏi công ty. Rất ít các UBCK trên thế giới khuyến khích mua bán cổ phiếu quỹ. Ngoài ra, khi rút vốn khỏi công ty thì vấn đề quan tâm là quyền lợi của chủ nợ cần phải được đảm bảo, tức là DN phải có lãi hoặc thặng dư vốn. Ở các nước khác trên thế giới, DN có thể rút vốn, nhưng phải được chủ nợ đồng ý 100%.
Việc nới room là cần thiết
Liên quan tới câu chuyện nóng bỏng là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, ông Trắc cho rằng, việc nới room là cần thiết bởi Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây là cơ hội thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư lớn, góp sức giúp DN lớn mạnh và tạo cho TTCK thêm sôi động, tăng thanh khoản. Ngoài ra, theo ông Trắc, thị trường cũng cần phải xây dựng chuẩn mực quản trị DN, nhất là những DNNN đã cổ phần hóa, DN không lên sàn sau khi IPO.
Bà Cao Huyền Trang, Trưởng phòng Pháp chế, CTCK Bản Việt đề nghị, cần làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tham gia góp vốn, mua chứng khoán được nắm giữ bao nhiêu phần trăm tại công ty đại chúng. Hiện tại, Quyết định 55/2009/QĐ-TTg quy định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trên TTCK chỉ được nắm giữ 49% tổng số cổ phần lưu hành của công ty đại chúng. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 quy định, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi sở hữu trên 51% vốn điều lệ của công ty đại chúng. Trong dự thảo Nghị định 58 sửa đổi cũng quy định công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi các NĐT này nắm giữ 51% vốn điều lệ của công ty đại chúng (trừ các quy định của luật chuyên ngành).
“Từ những quy định trên, chúng tôi có thể hiểu NĐT nước ngoài được nắm giữ 51% cổ phần. Tuy nhiên, đến Điều 1.3.2 của Dự thảo chỉ quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế, chúng tôi chưa rõ tỷ lệ sở hữu này được hiểu là bao nhiêu”, bà Trang thắc mắc.
Một số DN khác quan ngại về quy định sở hữu nước ngoài ghi trong điều lệ công ty, nhưng hiện tại, điều lệ công ty là hồ sơ không phải đăng ký, sẽ tạo ra một kẽ hở lớn. Trường hợp cổ đông tranh chấp thì bản điều lệ nào là bản cuối cùng (trong trường hợp DN sửa đổi điều lệ) được làm để đối chiếu trước Tòa?
Mở cổng cho quỹ huy động vốn nước ngoài, cần rõ hơn
Trong lĩnh vực quản lý quỹ, dự thảo Nghị định 58 sửa đổi quy định: “Hoạt động huy động vốn từ nước ngoài, chào bán, niêm yết chứng chỉ quỹ tại nước ngoài phải được Đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu của công ty quản lý quỹ thông qua, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải tuân thủ quy định pháp luật về ngoại hối”.
Theo quan điểm của Câu lạc bộ Quản lý quỹ, việc chào bán chứng chỉ quỹ ra nước ngoài là hoạt động của quỹ (không phải hoạt động tự doanh của công ty quản lý quỹ), do đó chỉ cần được quỹ thông qua. Theo đó, không nên đưa vào quy định việc phải thông qua ĐHCĐ, HĐTV hoặc chủ sở hữu công ty quản lý quỹ. Trình tự, thủ tục để hướng dẫn chào bán chứng chỉ quỹ huy động vốn ở nước ngoài cũng được các quỹ rất quan tâm và kỳ vọng sẽ sớm được công bố.
Nên rõ trách nhiệm với DNNN sau cổ phần hóa
Việc tiến hành niêm yết các DNNN sau cổ phần hoá cũng được trao đổi sôi nổi tại hội thảo. Một trong những điều kiện để niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM chính là có “tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi”.
Theo đại diện CTCK Đông Á, điều khoản này nên miễn trừ đối với DNNN cổ phần hóa, vì khó có thể đảm bảo được tiêu chí này, trong khi thực tế cho thấy, hoạt động của DNNN thường tốt hơn sau cổ phần hóa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, quan điểm của cơ quan quản lý là nâng chất thị trường, trong đó có việc phải nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường. Do đó, chỉ miễn trừ trường hợp “tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần”. Các DNNN chưa đáp ứng được yêu cầu có thể giao dịch trên sàn UPCoM.
Đối với các DNNN sau cổ phần hoá và đã niêm yết, ông Trắc chia sẻ, trên thực tế, dù thời điểm thị trường rất tốt, nhưng Nhà nước vẫn không bán bớt được cổ phần, với lý do sợ sau này giá trên thị trường cao hơn thì lại phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN chỉ là “hờ” khi không được trao quyền rõ ràng. Theo đó, ông Trắc đề nghị nên trao quyền cụ thể cho những người đại diện, tránh mất cơ hội tốt khi cứ phải xin ý kiến.
Một số nội dung liên quan với nhau giữa các luật nhưng có phần mâu thuẫn, gây bối rối cho DN cũng được ban soạn thảo ghi nhận. Cụ thể, tiêu chuẩn thành viên HĐQT độc lập được quy định trong Luật Doanh nghiệp có một số điểm mới, vậy khi bầu thành viên này thì DN cần áp dụng theo luật nào?
Ngoài ra, họp HĐQT, biểu quyết của thành viên HĐQT trong trường hợp ý kiến ngang nhau thì quyết định thuộc về Chủ tịch HĐQT, nhưng trong trường hợp Chủ tịch HĐQT không có quyền bầu một số điều khoản nào đó thì quy định cụ thể ra sao, có được tham vấn ý kiến bên thứ ba như Ban kiểm soát hay không?
Hoặc nội dung quy định hình thức niêm yết trên TTCK phải là CTCP và hoạt động dưới hình thức là CTCP liên tiếp trong 2 năm có lãi, vô hình trung gây khó khăn và phân biệt với các công ty TNHH. Một số ý kiến phản ánh, việc nhiều DN không phải là CTCP nhưng có hoạt động tốt, muốn niêm yết trên sàn để huy động vốn phục vụ kế hoạch kinh doanh cũng không thể niêm yết vì vướng quy định này.
Ngày 25/4 tới, UBCK tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 tại Hà Nội.
Nguồn Đầu tư chứng khoán