Zing.vn
Sửa gì trong Luật Kinh doanh 2014?
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, hai bộ luật có tác động lớn đến môi trường kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp, bắt đầu được sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân cũng như doanh nghiệp theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Chưa thể nói tốt hay hoàn hảo
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014” hôm 20.2, đã kể ra những tích cực từ hai bộ luật này.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng, mục tiêu là tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường, để người dân không ngần ngại bỏ vốn kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 1999 và hai lần sửa đổi đã tạo ra sự thuận lợi ngày càng lớn trong thủ tục gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, vướng mắc trong quá trình thi hành luật đã tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, chỉ số thuận lợi trong kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đang tụt hẳn trong cuộc đua toàn cầu.
Gia nhập thị trường của Việt Nam năm 2019 vẫn đứng thứ 104 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, trong khi thuận lợi của môi trường kinh doanh tụt một bậc, xếp thứ 69/190 nền kinh tế.
Người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho rằng những đóng góp của Luật Doanh nghiệp 2014 là quan trọng, nhưng chưa thể nói là “tốt hay hoàn hảo”. Theo ông, sửa đổi Luật Kinh doanh lần này phải “bài bản và toàn diện hơn”.
Giằng xé lợi ích
Trên thực tế, xã hội thường đặt nhiều kỳ vọng vào mỗi một lần sửa luật, sẽ tạo được cú huých cho nền kinh tế. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp về bản chất chỉ điều chỉnh 4 vấn đề: gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp,tổ chức lại doanh nghiệp và rút lui khỏi thị trường.
“Chúng tôi chọn ra những vấn đề đang vướng mắc nhất để sửa đổi”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), người chịu trách nhiệm xây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới cho biết.
Việc đưa ra một điều khoản vừa sửa đổi, vừa bổ sung, ông Hiếu cho là gây khó khăn cho áp dụng và nghiên cứu sau khi có luật mới có hiệu lực. Do đó, sửa luật lần này được áp dụng kỹ thuật mới, chủ động bãi bỏ hẳn hoặc bổ sung một điều mới mà không ảnh hưởng đến cơ cấu của luật.
Nước ta còn nhiều dư địa để cải cách do năm 2019 vẫn xếp thứ 104 về gia nhập thị trường. Do đó, sửa đổi Luật kinh doanh lần này sẽ tập trung nhiều hơn vào hai nội dung: Gia nhập thị trường và quản trị doanh nghiệp.
Gia nhập thị trường phải được đơn giản hóa hơn nữa. Chẳng hạn, quy định về con dấu, một cải cách mạnh mẽ trong Luật 2014, khi Nhà nước đã trao quyền cho doanh nghiệp tự làm dấu nhưng vẫn duy trì thủ tục hành chính về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Sau rà soát, Tổ biên tập và tham vấn nhận thấy thủ tục này không còn cần thiết. Vì vậy, trong phần gia nhập thị trường, đã kiến nghị cải cách triệt để, bãi bỏ quy định về mẫu dấu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tự làm dấu và tự chịu trách nhiệm.
Cũng nhóm gia nhập thị trường, dự thảo mong muốn được sửa Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014. Quá trình thực hiện đã cho thấy các quy định của Điều 3 không đảm bảo được lợi ích liên tục và lâu dài sau khi doanh nghiệp tái cơ cấu.
Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Hiếu kể lại cuộc gặp một doanh nghiệp kinh doanh có 10 năm uy tín và kinh nghiệm. Khi hoạt động kinh doanh không còn cần thiết trên thị trường, doanh nghiệp này muốn chuyển sang lĩnh vực đấu giá, nhưng lại buộc phải giải thể để thành lập doanh nghiệp mới.
Dự thảo Luật Kinh doanh mới, các nhà làm luật đã dành nhiều thời gian cho mảng quản trị doanh nghiệp. Theo ông Hiếu, tại Việt Nam quản trị doanh nghiệp là “sự xa xỉ” và ít được chú trọng. Trong khi đó, những vụ tranh chấp nội bộ xảy ra ngày một nhiều, bắt nguồn từ quản trị yếu kém và tùy tiện.
“Lợi ích trước mắt và lâu dài giằng xé doanh nghiệp” ông Hiếu nhận xét. Ông cũng nói “thông cảm với doanh nghiệp ở việc tìm ra thu nhập để tồn lại là quan trọng, nhưng để phát triển bền vững và lâu dài họ phải có quản trị tốt”.
Dù vậy, việc xử lý những nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp bằng những quy định luật pháp là một vấn đề khó. Nhiều khả năng các nhà làm luật phải sử dụng đến “thông lệ quốc tế”.
Pháp luật Indonesia có một khung khổ riêng về quản trị doanh nghiệp nhưng thực tiễn quản trị của họ hoàn toàn có thể áp dụng những chuẩn mực của OECD. Điều đó có nghĩa, luật pháp chỉ ở mức tối thiểu và luôn khuyến khích doanh nghiệp làm tốt hơn, luôn vượt lên trên sự tuân thủ.
Lần sửa Luật Doanh nghiệp này, các nhà làm luật cũng tính đến những vấn đề khác, chẳng hạn quy định rõ hơn về người đại diện cho pháp luật; sửa lần này là bảo vệ cổ đông nhỏ; bãi bỏ quy định về tuyển dụng giám đốc doanh nghiệp…
Đến nay, nước ta có khoảng 750.000 DN, tăng 60-70% so với 3 năm trước, thời điểm Luật kinh doanh và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Lần sửa luật này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư tin rằng môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn.
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này sửa đổi 23 điều, bổ sung 1 điều của Luật Đầu tư 2014 và sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp 2014.