Thứ Bảy | 08/10/2016 07:37

Sữa Dumex chia tay thị trường Việt

Cuộc so găng giữa sữa nội và ngoại ngày càng khốc liệt. Sữa Việt giành thêm thị phần

Một số đại lý sữa tại TP.HCM cho hay mấy ngày qua giá sữa Dumex đột ngột giảm mạnh và họ đang bán tháo để giải phóng nhanh mặt hàng này.

“Chúng tôi vừa nhận được bảng giá mới về sữa Dumex từ phía Công ty Danone Việt Nam. Theo đó, loại sữa này giảm trên 20%, tương đương khoảng 100.000 đồng/hộp. sữa Dumex Gold 3 giảm còn 440.000 đồng/hộp, Dumex Gold 1 chỉ còn 290.000 đồng/hộp. Nghe nói sắp tới loại sữa này sẽ không còn bán nữa” - chị Minh, chủ một đại lý tại chợ Bà Hoa, quận Tân Bình, cho biết.

Ông lớn nói lời tạm biệt

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty Danone Việt Nam thuộc Tập đoàn Danone (Pháp) - nhà sản xuất các sản phẩm bơ, sữa đứng thứ hai trên thế giới với nhãn hiệu Dumex - xác nhận chính thức chia tay thị trường Việt Nam. Lý do: Thị phần của sản phẩm Dumex tại Việt Nam chưa đủ để thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường đầu tư.

“Do vậy, chúng tôi quyết định là sẽ rút dần sản phẩm Dumex ra khỏi thị trường Việt Nam” - đại diện Danone Việt Nam khẳng định.

Phía Công ty Danone Việt Nam cũng cho rằng quyết định trên dựa trên chiến lược về mặt kinh doanh và không liên quan gì đến các quy định hay chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc Dumex ra đi khiến nhiều người bất ngờ, bởi Danone là một trong những nhà sản xuất sữa ngoại đầu tiên thâm nhập thị trường Việt. Hơn nữa đây là một trong những thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường sữa thế giới. Đó là chưa kể thị trường sữa Việt Nam được đánh giá là miếng bánh rất hấp dẫn đối với các hãng sữa.

Đâu là nguyên nhân chính khiến Dumex không trụ nổi trên thị trường Việt? Một số chủ đại lý khẳng định thị phần của sữa Dumex tại Việt Nam khiêm tốn, dù đã thâm nhập vào nước ta rất sớm. Thậm chí thời gian gần đây một số hệ thống siêu thị đã không kinh doanh mặt hàng này.

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng phân tích thêm: Việt Nam với hơn 90 triệu dân là thị trường cực kỳ tiềm năng cho bất kỳ công ty nào kinh doanh trong ngành dinh dưỡng, đặc biệt là sữa. Do đó Dumex rút khỏi thị trường là do sức cạnh tranh của họ không đủ tốt.

“Thực tế cho thấy ba thương hiệu đang thể hiện sức mạnh vượt trội trong ngành kinh doanh sữa hiện nay là Vinamilk, TH True Milk và Cô gái Hà Lan. Ba thương hiệu này đã phủ rất chặt các kênh bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại lý bán sữa… Thậm chí TH True Milk và Vinamilk còn tự xây dựng cả hệ thống cửa hàng bán lẻ của riêng mình” - ông Tùng nhận định.

Cùng nhận định trên, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Tri group, cho rằng có thể do chiến lược phát triển của Dumex không phù hợp tại thị trường Việt. Ông Chiến nhấn mạnh: “Đó là bài học lớn không chỉ cho Dumex mà còn cho các công ty sữa khác. Cụ thể nếu không quản trị tốt quá trình triển khai thì dù có bao nhiêu tiền cũng tiêu, bao nhiêu người cũng tan”.

Cơ hội cho đại gia sữa Việt

Tốc độ tăng trưởng của ngành sữa tại nước ta năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân tăng 17%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Theo Tổng cục Thống kê, riêng năm ngoái ngành sữa Việt Nam đã ghi nhận mức sản lượng sản xuất sữa các loại cao nhất từ trước đến nay: Trên 97.000 tấn sữa bột. Sức tiêu thụ lớn cũng chính là lý do trên thị trường có sự hiện diện của rất nhiều ông lớn như Abbott, Mead Johnson (Mỹ), Dumex (Pháp)…

Tuy nhiên, để lấy lòng của người tiêu dùng và chiếm được thị phần là không dễ, bởi cuộc chiến giữa sữa ngoại và nội ngày càng trở nên gay gắt. Trong cuộc chiến này, theo ông Tùng, nếu doanh nghiệp Việt biết tự phát huy lợi thế sân nhà thì có thể cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu quốc tế.

“những thương hiệu như Vinamilk hay TH True Milk đã khẳng định được sức mạnh của mình trước sự xuất hiện của những thương hiệu sữa ngoại. ở thời điểm này, khi một đối thủ cạnh tranh rời khỏi thị trường, đó là lúc các thương hiệu còn lại có thể nhanh chóng tấn công để giành lấy thị phần của đối thủ vừa rời đi nhằm gia tăng khách hàng, doanh số và thị phần. Đây cũng chính là cơ hội cho các thương hiệu sữa Việt có thể vươn lên dẫn dắt thị trường” - ông Tùng khuyến nghị.

Sữa Việt giành thêm thị phần

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel đánh giá với thị trường thành thị thì doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế đối với sữa bột nhưng tăng trưởng âm. Trong khi đó ở khu vực nông thôn, sữa bột vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 6% và doanh nghiệp sữa nội đang chiếm ưu thế với trên 50% thị phần.

Từ đầu năm đến nay thị trường nông thôn chịu nhiều ảnh hưởng bởi gặp khó khăn cùng với thiên tai, ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, gần đây các công ty sữa nội bắt đầu giành thêm thị phần để khẳng định vị thế và chất lượng hàng Việt.

Sôi động sữa bột

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho hay trong hai năm qua, Nhà nước thực hiện hai chính sách có ảnh hưởng lớn đến ngành hàng sữa bột. Đó là áp giá trần và cấm quảng cáo sữa bột cho trẻ dưới hai tuổi.

Tuy nhiên, chính sách áp giá trần không có nhiều tác động giúp ngành hàng sữa hồi phục. Trong khi đó khi chính sách cấm quảng cáo sữa bột cho trẻ em dưới hai tuổi có hiệu lực, nhiều nhà sản xuất đã tung ra các sản phẩm mới, thay đổi về độ tuổi cho các sản phẩm sữa 1-3 tuổi thành các sản phẩm dành cho trẻ 1-2 tuổi và các sản phẩm dành cho trẻ trên hai tuổi. Đơn cử như Optimum Gold, Dutch Lady, Dielac Alpha Gold, Friso Gold, Similac... Động thái này đã giúp ngành hàng sữa bột sôi động hơn và giữ vững được sản lượng bán ra.

Nguồn PLO