Sửa điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh
Theo đó, thông tư quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm ngân hàng thương mại là doanh nghiệp nhà nước) được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Thông tư 12 quy định, DN được phép vay nước ngoài để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư của mình, của doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp (chỉ áp dụng với vay trung và dài hạn). Giới hạn mức vay trong trường hợp này là tổng kim ngạch đi vay không vượt quá tỷ lệ vốn góp vào DN tham gia góp vốn.
DN cũng có thể vay nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của mình mà không làm tăng chi phí vay.
Ngoài những điều kiện chung về mục đích vay, đồng tiền vay, thỏa thuận vay nước ngoài, giao dịch đảm bảo, chi phí vay nước ngoài, Thông tư còn quy định các điều kiện riêng áp dụng với hai nhóm đối tượng là bên đi vay là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và không phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên đi vay và các bên liên quan có quyền tự thỏa thuận chi phí vay nước ngoài trong điều kiện bình thường. Trong trường hợp cần thiết, khi mức rút vốn ròng của các khoản vay nước ngoài có xu hướng vượt hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay tự trả được Thủ tướng phê duyệt, để đảm bảo an toàn nợ nước ngoài của quốc gia, Thống đốc NHNN có quyền quyết định áp dụng và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động vay nước ngoài của DN không được chính phủ bảo lãnh.
Thông tư có hiệu thực thi hành kể từ ngày 15/5/2014 và bãi bỏ các quy định tại Chương II Thông tư 09/2004/TT - NHNN ngày 21/12/2004 của NHNN hướng dẫn việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Nguồn SBV