Ảnh minh họa. TL.
Sự trỗi dậy của kinh tế số trong “bình thường mới”
Sáng 29/12, Tổng cục Thống kê (GSO) họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021. Trong quý IV, kinh tế tăng trưởng 5,22%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, GDP Việt Nam tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây.
Năm 2021 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã trở thành yếu tố thúc đẩy sự thay đổi của nhiều thứ, trong đó có quá trình số hóa. Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết họ nhận thấy đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa và tăng cường áp dụng công nghệ tại Việt Nam nhanh hơn gấp nhiều lần so với trước đây và vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vài năm tới.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain, do các biện pháp giãn cách hạn chế người tiêu dùng đi đến địa điểm các cửa hàng, số lượng người dùng chuyển sang sử dụng các dịch vụ kinh tế số như mua sắm hàng hóa, tham quan nhà mẫu trực tuyến, đi chợ hộ, học tập trực tuyến, … tăng mạnh từ đầu năm 2021. Cũng theo báo cáo này, hơn 90% người tiêu dùng được khảo sát có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ kinh tế số trên. Điều này phản ánh mức độ gắn kết với công nghệ cũng sự dịch chuyển thói quen của người tiêu dùng Việt Nam trong tương lai.
Vì vậy VNDirect đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm giai đoạn 2020 - 2025 để đạt mức 52 tỉ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đặt mục tiêu thúc đẩy vai trò nền kinh tế số trong 5 năm tới (ví dụ: tăng cường thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử và áp dụng cách mạng Công nghiệp 4.0 cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ) .
Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vào tháng 6/2020 và đang đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế số từ mức chiếm 8,2% GDP như hiện nay lên 25% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong chính sách công nghiệp quốc gia, các nhà chức trách cũng có kế hoạch tăng cường sản xuất công nghệ cao và áp dụng các công nghệ thông minh trên cơ sở Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong những năm tới.
Theo luận điểm trên, VNDirect tin rằng các công ty có vị thế nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như các công ty có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu “digital” của người tiêu dùng sẽ vượt trội hơn so với các đối thủ khác. Ở góc độ đầu tư, VNDirect cũng cho biết họ ưa thích các cổ phiếu FPT, VTP và MWG cho cơ hội đầu tư dài hạn này.
Có thể bạn quan tâm