Một số hoạt động công nghiệp có sự cải thiện mạnh mẽ trong tháng 7. Ảnh minh họa: Quý Hòa.
Sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất sẽ tăng tốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Chỉ số IIP được cải thiện rõ rệt so với tháng trước (IIP chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ vào tháng 6/2023), đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 (đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ-kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán).
Đồng thời, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng lên mức 48,7 điểm vào tháng 7, cải thiện từ mức 46,2 điểm của tháng trước. Tuy nhiên, đây là tháng thứ 5 liên tiếp PMI của Việt Nam dưới 50 điểm (ngưỡng thu hẹp sản xuất), cho thấy đà phục hồi của lĩnh vực công nghiệp còn chậm và mong manh.
Xét về các phân ngành, một số hoạt động công nghiệp có sự cải thiện mạnh mẽ trong tháng 7 bao gồm: hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng (+17,8% so với cùng kỳ), sản xuất đồ uống (+8,4% so với cùng kỳ), sản xuất thực phẩm (+11,4% so với cùng kỳ) và sản xuất kim loại (+15,4% so với cùng kỳ).
Mặt khác, một số hoạt động công nghiệp tiếp tục sụt giảm trong tháng 7 như sản xuất động cơ/rơ moóc/sơ mi rơ moóc (-6,6% so với cùng kỳ), sản xuất thiết bị vận tải khác (-1,7% so với cùng kỳ) và sản xuất máy móc thiết bị (-5,5% so với cùng kỳ).
Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết họ kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố.
Đầu tiên, áp lực lạm phát tại các nền kinh tế phát triển giảm bớt sẽ là yếu tố củng cố niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng tại các thị trường này trong những tháng cuối năm 2023. Do đó, VNDirect kỳ vọng các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển.
Thêm vào đó, cầu trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong những tháng tới nhờ tác động tích cực từ các chính sách kích cầu tài khóa (giảm thuế & phí, tăng lương cơ bản,...) và cho vay tiêu dùng phục hồi trong bối cảnh lãi suất giảm. Đồng thời, nhu cầu của người tiêu dùng phục hồi sẽ giúp cải thiện triển vọng kinh doanh và thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng sản lượng.
Có thể bạn quan tâm
Lợi thế về ưu đãi thuế dần biến mất, chính sách của Việt Nam sẽ ra sao?