Sự lên ngôi của cửa hàng tiện lợi và "quán quân" chuỗi siêu thị nhỏ
→Thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất châu Á
Thị trường bán lẻ với sự "lên ngôi" của cửa hàng tiện lợi
Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm, 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng, những mặt hàng chính bao gồm các nhóm sản phẩm như đồ uống, thực phẩm, sữa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình... đều đạt được mức tăng trưởng khá.
Đặc biệt, theo báo cáo của A.T Kearney, cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ là phân khúc phát triển nhanh nhất tại nước ta. Tính đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 7-Eleven của Nhật lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Với Vinmart+, hệ thống này đã có 1.000 cửa hàng năm 2016, khoảng 2.500 cửa hàng tính đến cuối năm 2017. Và 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng là mục tiêu tăng trưởng đến năm 2020 của hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+.
Mức tăng trưởng của cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ trong vài năm qua khá ấn tượng. Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, có đến hơn 1/3 số hộ gia đình Việt từng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay siêu thị nhỏ, với tần suất trung bình là 10 lần/năm. Nielsen cho biết tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại từ tháng 4/2016 đến tháng 12/2017 là 7,7%, cao hơn mức 6,1% của kênh truyền thống; sản lượng tăng trưởng kênh hiện đại đạt 6,3%, cao gấp 1,34 lần kênh truyền thống.
Mặc dù là phân khúc phát triển nhanh hiện nay, kênh mua sắm này vẫn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ nhiều bên: từ siêu thị lớn về trải nghiệm mua hàng, từ các siêu thị về sự đa dạng hàng hóa, và từ phía cửa hàng truyền thống về tính tiện lợi. Trên thực tế, bán lẻ hiện đại ở nước ta đã tăng trưởng chậm lại so với dự đoán trước đó, hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ (số liệu từ Bộ Công Thương). Chi phí mặt bằng cao, giá thành đắt hơn, thói quen mua sắm và tiêu dùng truyền thống... là những lí do chính khiến người tiêu dùng bỏ qua cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ, đòi hỏi các nhà bán lẻ cần xây dựng một chiến lược đầu tư hợp lí để có thể phát triển phần thị trường này.
Chuỗi siêu thị mini nào đang thống lĩnh thị trường Việt?
Trong năm 2017, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở lại vị trí thứ sáu trong số 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất. Cùng với đó là sự mở rộng ngày càng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ. Số lượng cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52% ở giai đoạn này. Đến năm 2017, tổng số cửa hàng tiện lợi (CHTL) đã đạt 2.500 (Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam). Người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn hơn trong mua sắm. Vậy liệu lực lượng bán lẻ nào sẽ thống lĩnh thị trường trong nhiều năm tới?
Đi ngược lại xu hướng chung tại những quốc gia phát triển, những chuỗi siêu thị siêu nhỏ như Vinmart+ đang ngày càng mọc lên như nấm và chứng minh thành công ban đầu.
Bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Vincommerce, chủ đầu tư hệ thống VinMart và VinMart+, cho biết, tính đến ngày 31.12.2017, hệ thống VinMart và VinMart+ có quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam. Theo kế hoạch, VinMart và VinMart + sẽ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ phát triển với mục tiêu đạt 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc vào năm 2020.
Năm 2017, hệ thống VinMart và VinMart+ đã được bình chọn vào Top 2 nhà bán lẻ được người tiêu dùng nghĩ đến nhiều nhất và Top 10 nhà bán lẻ uy tín nhất (theo thống kê của Vietnam Report). VinMart và Vinmart+ cũng góp phần đưa VinCommerce lên vị trí thứ 19 trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng do Brand Finance công bố trong 2 năm liên tiếp 2016, 2017.