Sự đau đớn của dòng sông Mekong
Dòng sông Mekong như một người mẹ hiền từ, ban phát đủ thứ cho con dân ở lưu vực từ phù sa, cá thịt, protein. Nhưng những người con ấy nhìn thấy ở người mẹ một món quà khác: nguồn điện. Nhưng khi được món quà này, chúng ta lại mất đi những phần thưởng khác.
Các đập thủy điện một thời được xem là mô hình “xanh”, bởi có thể phát điện lấy từ nguồn năng lượng tự nhiên, góp phần điều tiết dòng nước. Nhưng ngày nay, xã hội nhận ra thủy điện cũng đồng thời sẽ làm mất đi những món quà quý giá khác. Trên thế giới, đã có rất nhiều bài học về vấn đề này. Ác mộng đập Tam Hiệp ở Trung Quốc cho thấy sự đau đớn mà khu vực hạ nguồn phải gánh chịu, khi các đập thủy điện xuất hiện ở thượng nguồn.
Bài học đập Tam Hiệp
Tròn 10 năm trước, Trung Quốc chính thức đưa vào vận hành con đập Tam Hiệp nằm trên dòng sông Dương Tử. Dương Tử, có tên gọi khác là Trường Giang, là con sông dài nhất châu Á, chảy qua hơn một nửa địa phận Trung Quốc và có 1/3 dân số nước này sống quanh lưu vực sông. Dương Tử có tầm ảnh hưởng rất lớn, xét về lượng nước chảy, diện tích lưu vực và các ảnh hưởng kinh tế.
Với quy mô như thế, người Hoa có tham vọng xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới và Tam Hiệp ra đời trong kỳ vọng sẽ giúp giảm nguy cơ lũ lụt, điều hòa lượng nước bên cạnh việc phát điện. Nhưng cuối cùng, Tam Hiệp lại trở thành một ví dụ không thể thích hợp hơn khi miêu tả về hệ quả của việc xây dựng những con đập cắt ngang sông.
Là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới với công suất điện tổng cộng lên tới 22,5 triệu kWh, tương đương với 15 lò phản ứng hạt nhân và gấp 9 lần nhà máy thủy điện Hòa Bình của Việt Nam, Tam Hiệp đồng thời cũng là dự án gây tranh cãi mang tính thời đại. Sau chỉ vài năm hoạt động, ước tính Tam Hiệp đã làm ngập hơn 600 km2 đất phì nhiêu, chôn vùi 13 thành phố, 140 huyện, 1.350 làng mạc, khiến 1,4 triệu người phải di dân. Cùng với đó, Trung Quốc phải chi ra 9 tỉ USD để gia cố chống sạt lở, hạn hán và địa chấn ở đồng bằng lưu vực sông. Và những con số này còn chưa tính đến thiệt hại kinh tế liên quan đến các ngành nghề truyền thống ở địa phương.
Ðến năm 2011, lưu lượng sông Dương Tử xuống đến mức thấp kỷ lục được ghi nhận trong hơn 50 năm. Chính quyền Trung Quốc khi đó cũng phải thừa nhận Tam Hiệp là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề.
Trở lại giai đoạn nghiên cứu khả thi trước đó, chất lượng nước ở vùng Tam Hiệp được đánh giá là tốt nhất của Trung Quốc và đứng hàng thứ 2 trong tất cả các đoạn sông. Còn bây giờ, ước tính có khoảng 14 tỉ tấn rác thải các loại đã được đổ xuống sông Dương Tử mỗi năm. Dòng sông đổi sang màu vàng vì ô nhiễm. Dưới nhu cầu năng lượng phục vụ cho việc phát triển kinh tế, có lẽ các nhà lập dự án đã không đưa những khoản chi phí thiệt hại xã hội vào bảng tính toán.
Nguy cơ ở hạ lưu Mekong
Sông Dương Tử chảy ngang Trung Quốc, trong khi sông Mekong lại chảy dọc đất nước này. Hạ lưu của Dương tử nằm trọn trong địa phận Trung Quốc, còn lưu vực sông Mekong lại trải dài qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và cuối nguồn là Việt Nam.
Xuất phát từ Tây Tạng đến Phnom Penh (Campuchia), các con đập thủy điện bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên dòng Mekong. Trung Quốc hiện có 14 con đập đang được lên kế hoạch và đã xây dựng ở tỉnh Vân Nam, cùng với 6 con đập khác đã hoàn thành. Lào có 9 đập và Campuchia có 2 đập. Việt Nam với vị trí dòng sông ở hạ lưu, không phù hợp để xây con đập nào.
Ở hạ lưu sông Mekong, miền Tây của Việt Nam một thời được mệnh danh là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, sự trù phú trong quá khứ giờ đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Và các con đập thủy điện đang làm trầm trọng hơn vấn đề này.
Những dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện. Thông tin mới nhất cho thấy 2 tỉnh miền Tây đã tuyên bố thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ nguy hiểm nhất, bao gồm Trà Vinh, Vĩnh Long. Lượng nước ở khu vực sông Cửu Long cũng đã giảm từ mức xấp xỉ 4 m xuống còn khoảng 3-3,5 m trong 15 năm trở lại đây.
Chuyện thủy điện tác hại đến hạ nguồn như thế nào đã được Việt Nam trải nghiệm trong vài năm qua. Ở vùng núi phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng bị sạt lở, thiếu nước. Còn ở miền Trung, thủy điện được cho là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều đợt lũ tràn về.
Nói cho cùng, việc sản xuất điện thuộc về trách nhiệm quốc gia và các dự án điện đang được ưu ái nhiều vì đặc thù của nó. Với giới kinh doanh, thủy điện là dự án có tổng vốn đầu tư nhiều, nhưng lợi nhuận cao (vì chi phí nguyên liệu nước là miễn phí), ít rủi ro và nguồn tiền thu ổn định. Vì vậy, vấn đề nguồn tiền tài trợ đã có nhiều ngân hàng sẵn sàng thu xếp.
Tuy nhiên, những dự án này đang được đánh đổi bằng môi trường và cộng đồng xã hội. Nhiều bài học cho thấy rằng thủy điện chỉ “rẻ tiền” một khi các nhà quản lý và các chủ đầu tư tạm quên đi phần chi phí thiệt hại. Có thể nói, những nhà sản xuất điện đã lấy lợi nhuận từ chính thiệt hại của xã hội. Xem ra, nếu tính đúng tính đủ, chi phí xây dựng thủy điện còn cao hơn nhiều loại hình sản xuất điện từ năng lượng sạch khác, như điện gió chẳng hạn.
Việt Dũng