Ảnh: TL.
Start up Việt tìm cơ hội trong ngành mỹ phẩm
Với tổng vốn đầu tư chỉ 1,5 tỉ đồng, Coboté – thương hiệu sản xuất mỹ phẩm chăm sóc cá nhân từ dừa (Châu Thành, Bến Tre) mất 3 năm để đưa 10.000 sản phẩm đầu tiên đến người tiêu dùng, nhưng giờ đây, để bán hết số lượng đó công ty chỉ mất 3 tháng thông qua các kênh thương mại điện tử cũng như các cửa hàng mỹ phẩm tự nhiên.
Nguồn lực có hạn nên người sáng lập Coboté, một nữ thạc sĩ trẻ tốt nghiệp ở Pháp đã vận dụng tinh thần khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) trong nghiên cứu, sản xuất đồng thời áp dụng triết lý “sản xuất mẻ nhỏ” với đặc thù chỉ cần chi phí thấp và đội ngũ có thể vừa sản xuất, vừa thăm dò nhu cầu thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cũng như đảm bảo tính tươi mới, chất lượng đồng nhất; chọn sử dụng mọi công cụ hỗ trợ sẵn có trên thị trường như bán hàng đa kênh, xây dựng hệ thống dữ liệu khách hàng và phân tích hành vi giúp tối ưu vận hành, còn quản lý sản xuất bằng phần mềm tùy chỉnh trên nền tảng ERP. Để tiếp cận thị trường quốc tế, chủ thương hiệu cũng xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chứng nhận hữu cơ, nhà máy tiêu chuẩn theo mô hình “boutique manufacturer” (nhà máy nhỏ) kết hợp du lịch trải nghiệm.
Cũng tại Bến Tre, năm 2018 Công ty chế biến dừa Cửu Long đã dành riêng 5 tỉ đồng để đầu tư nhà xưởng và dây chuyền sản xuất 20 loại mỹ phẩm, chủ yếu là các loại mặt nạ từ nước dừa, giấy thấm hút dầu cho da được chế biến hoàn toàn từ nước dừa. Mất 10 năm mày mò nghiên cứu, bà Trương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty mới cho ra đời thành công sản phẩm mặt nạ dừa, sau đó cần thêm 8 năm để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường và người tiêu dùng. Tại các nhà máy chế biến, nước dừa được xem là phế phẩm trong khi nó chứa nhiều chất bổ dưỡng. 1 lít nước dừa già bán giá 3 ngàn đồng, nếu làm ra mặt nạ sẽ bán được 30 ngàn đồng. Hiện mặt nạ dừa là sản phẩm chủ lực của công ty, xuất khẩu chiếm khoảng 40% tổng sản lượng. Doanh mặt hàng này tăng trưởng mỗi năm từ 10 - 20%. Năm 2021, doanh thu sản phẩm mặt nạ dưỡng da từ nước dừa đạt gần 5 tỉ đồng.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Mintel, thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện có doanh thu khoảng 51.000 tỷ đồng/năm, trong đó doanh nghiệp của người Việt chiếm xấp xỉ 10%. Bên cạnh các tên tuổi lâu năm, thị trường vẫn tiếp tục đón nhận các start up mới với mô hình sản xuất mới. Để tiết kiệm thời gian và giảm bớt áp lực trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu mỹ phẩm riêng, nhiều doanh nghiệp cũng chọn hợp tác với một đơn vị sản xuất uy tín. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng có thể đưa ra những gói dịch vụ về tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu thị trường, tư vấn pháp lý trong quá trình công bố thương hiệu mỹ phẩm và đề xuất các chiến lược quảng bá.
Sau nhiều năm làm việc tại các tập đoàn mỹ phẩm quốc tế, bà Trang Nguyễn, Người sáng lập kiêm CEO Công ty B Happy Cosmetics nhận thấy thị trường mỹ phẩm dành cho nhóm trẻ, với phân khúc tầm trung ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ. Do đó, B Happy Cosmetics ra mắt thương hiệu G.G.G, sản phẩm ban đầu là các loại serum dưỡng da. Nhờ nền tảng của người sáng lập, G.G.G có cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất lớn, chuyên phụ trách các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Trang Nguyễn thì quá trình thuyết phục hợp tác ban đầu khá khó khăn. Bởi vì các nhà sản xuất lớn thường làm việc với các thương hiệu toàn cầu. Một startup với lượng sản phẩm đặt hàng còn khiêm tốn thì cơ hội tiếp cận họ là không cao.
CEO của Happy Cosmetics nhận xét: “Làm việc với nhà sản xuất lớn là lợi thế nhưng cũng đi kèm nhiều bất lợi: áp lực về lượng đặt hàng tối thiểu, số lượng đơn đặt hàng, phải tự xử lý nhiều giấy tờ liên quan. Hiện tại, chúng tôi làm việc trực tiếp với nhà sản xuất để phát triển concept, công thức của sản phẩm. Về lâu dài, khi công ty mở rộng quy mô, chúng tôi mới nghĩ đến việc đầu tư vào một đội ngũ R&D riêng.”