Thứ Tư | 12/08/2015 08:39

Start-up công nghiệp cần vườn ươm mới

KVIP Cần Thơ được phát triển giống như Techno Park, mô hình đã giúp Hàn Quốc thoát nghèo.

Mới đây, dự án vườn ươm công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Korea Vietnam Incubator Park - KVIP) vừa được đầu tư xây dựng với tổng vốn 21,3 triệu USD tại Cần Thơ. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ bằng vốn ODA 17,7 triệu USD.

KVIP được xây dựng theo mô hình Techno Park của Hàn Quốc. Đây là một trong những mô hình cơ bản giúp nước này thoát khỏi cảnh nghèo khó sau chiến tranh để phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Hiện Hàn Quốc đã phát triển 18 Techno Park. KVIP là Techno Park thứ 19 của Hàn Quốc và là Techno Park đầu tiên được đầu tư ở nước ngoài. 

Chiến lược của vườn ươm công nghiệp này là thu hút các nguồn lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển công nghệ mới đối với các ngành mục tiêu là chế biến nông, thủy sản và cơ khí chế tạo máy nông nghiệp. Ðặc biệt, mục tiêu hàng đầu của KVIP sẽ là hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng công nghệ của các doanh nghiệp trẻ, thậm chí cho cả những doanh nghiệp đang còn trong giai đoạn phôi thai.

Theo lời ông Heung-Su Kim, Giám đốc Chungnam Techno Park, thì “Techno Park quan tâm làm sao để một doanh nghiệp trẻ vừa thiếu vốn, vừa thiếu kinh nghiệm tổ chức kinh doanh mà vẫn hiện thực hóa được những ý tưởng tốt đang có trong đầu”.

Trong khi đó, dù Việt Nam đã có những khu công nghiệp sở hữu chức năng tương tự mô hình này, nhưng vẫn chưa được hoàn chỉnh do các mục tiêu lợi nhuận. Các khu này hiện chỉ là sân chơi ưu tiên đối tượng khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài, với mục tiêu đặt ra là phải lấp đầy chỗ trống và thu hồi chi phí đầu tư càng sớm càng tốt. 

Còn với Hàn Quốc, các khu công nghiệp là công cụ để thu hút doanh nghiệp có công nghệ hiện đại từ nước ngoài. Để phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp ngoại với các công ty trong nước, Hàn Quốc đã xây dựng các Techno Park quanh khu công nghiệp. Ðây là nơi đặt cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội nhanh chóng đáp ứng yêu cầu gắt gao của doanh nghiệp ngoại. 

Để hỗ trợ cho mô hình KVIP, Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế ưu đãi khá hấp dẫn. Chẳng hạn, hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp vào hoạt động ươm tạo công nghệ của KVIP sẽ được miễn thuế. Vườn ươm này cũng được ưu tiên xem xét bố trí vốn ODA, vốn hợp tác quốc tế và vốn viện trợ. 

Ngoài ra, doanh nghiệp tại KVIP còn được ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... Các dự án đầu tư tại đây cũng được ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tín dụng. Ví dụ, các dự án sẽ được ưu tiên thuê đất, được miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu tiên và giảm 50% tiền thuê đất phải nộp cho 5 năm tiếp theo kể từ ngày ký hợp đồng. Doanh nghiệp chủ của dự án đầu tư sẽ thuộc đối tượng bảo lãnh vay vốn, được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Có thể thấy, sự ra đời của KVIP với chuỗi hoạt động chuyên sâu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản và cơ khí chế tạo. Vườn ươm này cũng sẽ tạo dựng nền tảng để các doanh nghiệp trong vùng phát triển bền vững khi hội nhập với kinh tế quốc tế.

Đình Bắc