Thứ Sáu | 15/03/2013 21:17

Standard Chartered khuyến nghị 6 kênh tài trợ vốn xử lý nợ xấu

Với phương thức lập công ty quản lý tài sản, Standard Chartered cho rằng Chính phủ cần đưa ra những nguyên tắc định giá hiệu quả.
Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam mới được ngân hàng Standard Chartered công bố cho hay, Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngân hàng vào tháng 3/2012 nhằm mục đích cải cách hệ thống từ giờ đến năm 2015. Việc thành lập một công ty quản lý tài sản (AMC) để nhận giải quyết các khoản nợ xấu cũng đang được tiến hành.

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia của Standard Chartered, vấn đề chưa rõ ràng hiện nay là nguồn chi phí lớn cho cải cách hệ thống ngân hàng sẽ được tài trợ như thế nào.

Nhóm chuyên gia này đưa 4 kịch bản về mức nợ xấu Việt Nam (5%, 10%, 15% và 20%), sau đó ước tính chi phí tái cấp vốn cho từng trường hợp.

Chi phí xử lý nợ xấu ứng với các mức nợ xấu
Chi phí xử lý nợ xấu ứng với các mức nợ xấu
Nguồn: Standard Chartered

Nếu tỷ lệ nợ xấu ở mức 5% (tương đương mức nợ xấu 7,2 triệu USD), chi phí tái cấp vốn sẽ chiếm 2,8% GDP và tương đương 16,4% dự trữ ngoại hối.

Nếu tỷ lệ này là 10% (mức nợ xấu 14,3 triệu USD), chi phí tái cấp vốn sẽ chiếm 6,8% GDP và chiếm 40,4% dự trữ ngoại hối.

Còn nếu tỷ lệ nợ xấu lên tối đa 20% (mức nợ xấu là 28,6 triệu USD), các chuyên gia của Standard Chartered ước tính chi phí tái cấp vốn chiếm 14,9% GDP và chiếm khoảng 88,3% dự trữ ngoại hối.

Đối chiếu với dữ liệu lịch sử từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong quá trình xử lý nợ xấu từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, Standard Chartered cho rằng nợ xấu của Việt Nam có thể kiểm soát được miễn là không vượt quá 20%.

Chi phí tái cấp vốn của Thái Lan là 34% GDP, cao hơn so với mức ước tính cho Việt Nam là 14,9% GDP nếu mức nợ xấu lên tới 20% trên tổng dư nợ, báo cáo cho hay.

So sánh chi phí xử lý nợ xấu với các nước đã trải qua khủng hoảng tại Châu Á
(*): Thái Lan, Indonesia, Malaysia: Dữ liệu năm 1998. Việt Nam: Dữ liệu năm 2012
Nguồn: Standard Chartered

Từ đó, Standard Chartered giới thiệu 6 kênh tài trợ vốn tiềm năng để Việt Nam giải quyết nợ xấu.

Kênh thứ nhất: Ngân hàng nhận diện nợ xấu, tự loại bỏ và phân loại đưa vào qui trình xử lý nợ.

Theo nhóm nghiên cứu của Standard Chartered, cách làm này có thể làm tăng kỷ luật trong quyết định cho vay trong tương lai của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc cắt giảm lớn có thể làm suy yếu ngành ngân hàng và sẽ tạo một số ảnh hưởng không thuận lợi để tiếp cận đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, nếu Chính phủ là cổ đông cuối cùng của hầu hết các ngân hàng thì sẽ phải chịu rất nhiều chi phí xóa nợ.

Kênh thứ hai: Chính phủ sử dụng ngân sách để rót vốn cho ngân hàng xử lý nợ xấu. Để bù đắp ngân sách, Chính phủ có thể mở rộng thu thuế và truy thu hiệu quả thuế VAT.

Song, việc này sẽ gặp khó khăn khi Việt Nam đang bị thâm hụt tài khóa và chỉ thu được khá ít tiền thuế trong những năm vừa qua. Chính phủ cũng chưa dành tiền để AMC mua lại nợ xấu trong ngân sách 2013, ngay kể cả khi cho biết đây có thể là trách nhiệm cải cách ngân hàng quốc doanh.

Đồng thời, phương án này có thể sẽ bị xã hội phản đối do coi đây là cách dùng tiền của người nộp thuế để cứu trợ ngân hàng.

Kênh thứ ba: Chính phủ hoặc ngân hàng xã hội phát hành trái phiếu và mua nợ từ ngân hàng, bao gồm cả việc xóa một ít nợ xấu.

Theo Standard Chartered, biện pháp này có thể tách nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc xác định mức xóa nợ với các ngân hàng có thể sẽ phát sinh vấn đề.

Kênh thứ tư: NHNN dùng dự trữ ngoại hối để bơm thẳng vốn cho các ngân hàng xử lý nợ xấu. Phương án này gặp thách thức khi Việt Nam chưa có đủ dự trữ ngoại hối để triển khai phương án này (hiện dự trữ ngoại hối khoảng 30 tỷ USD).

Kênh thứ năm: Thiết lập công ty quản lý tài sản. Hiện Chính phủ dự kiến thiết lập công ty quản lý tài sản với mức vốn khoảng 60-100 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, phương án này đòi hỏi những nguyên tắc định giá khi chuyển giao tài sản phải được đưa ra đầy đủ (đặc biệt là khi hệ thống mất khả năng thanh toán hiện nay chưa đưa ra một khuôn khổ hiệu quả để giải quyết tài sản xấu và mới chỉ có bản ghi theo dõi giới hạn).

Kênh thứ sáu: Dùng vốn nước ngoài để cải thiện chất lượng tài sản ngành ngân hàng, củng cố quản trị và quản lý rủi ro.

Vừa qua, NHNN cũng ban hành một Dự thảo Nghị định cho rằng sẽ tạo nhiều điều kiện hơn để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng trong nước. Trước đó, Chính phủ đã khá miễn cưỡng khi phải tăng cổ phần nước ngoài.

Nguồn Khampha


Sự kiện