Quý Hòa

 
Thứ Sáu | 19/01/2018 22:23

Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam 2018 tăng 6,8%

Dự báo này bằng với triển vọng của ANZ đưa ra, và cao hơn so với mức 6,5% của HSBC.

Theo Nhóm Nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered, điểm nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2018 gồm tăng trưởng GDP cao, xuất khẩu tăng mạnh, lạm phát tăng và tỉ giá tương đối ổn định.

Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 tiếp tục đạt mức 6,8%, với động lực chính là hoạt động sản xuất đang duy trì mạnh mẽ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù thấp hơn năm 2017, đạt gần 15 tỉ USD. Xuất khẩu sẽ tăng mạnh, đạt gần 20%, trong đó dẫn dầu là xuất khẩu hàng điện tử. Lạm phát gia tăng và đạt trung bình 4%. Áp lực tỉ giá lên tiền Đồng ở mức trung tính, nên đồng VND chỉ tăng giá nhẹ, với dự báo tỉ giá USD-VND ở mức 22.650 vào quý II và 22.600 vào cuối năm 2018.

“Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2017, mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây, đúng theo dự báo của chúng tôi và cao hơn mức kỳ vọng chung. Chúng tôi lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiếp tục duy trì ở mức cao", ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á của Standard Chartered, đánh giá nguy cơ bất ổn của thị trường được giảm thiểu nhờ các chỉ số vĩ mô đều được cải thiện trong năm 2017, giúp gia tăng tính cạnh trang trong xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN khác, thu hút FDI và xây dựng niềm tin của công chúng đối với năng lực quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm 2018.

Lĩnh vực sản xuất được Standard Chartered dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2018, với sự hỗ trợ của dòng vốn FDI và nhu cầu lớn đối với mặt hàng điện tử trên toàn cầu. Xuất khẩu hàng điện tử sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn, qua đó tạo ra thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung. Ngân hàng dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đạt gần 15 tỷ USD, và vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, sẽ duy trì ở mức cao trong trung hạn.

Tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước. Lĩnh vực xây dựng cũng sẽ tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng đạt gần 10% trong năm 2018, sau khi chậm lại trong cả năm 2017.