Standard Chartered Bank chốt lời ACB
Nhiều người không muốn nhìn nhận việc cổ đông ngoại lớn nhất của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) Standard Chartered Bank (SCB) thoái vốn là một thương vụ chốt lời. Họ nhận ra không ít mối vấn vương của một cuộc tình kéo dài 12 năm mà cả kẻ đi lẫn người ở lại đều bịn rịn. Nhưng kinh doanh là kinh doanh, mọi khoản đầu tư đều phải đến lúc được tính toán lợi nhuận. Đối với SCB là khoản lãi đong đếm bằng tiền, là sự hiện diện ở thị trường tài chính Việt Nam. Còn ACB đã chắt lọc được tinh tuý từ một cổ đông tầm cỡ nước ngoài để nâng tầm thương hiệu và vị thế của một trong những tổ chức tín dụng cổ phần hàng đầu trong nước bất chấp một số thời điểm khó khăn mà doanh nghiệp – ngân hàng nào cũng phải trải qua để trưởng thành.
Thoái vốn : “chuyện thường ngày ở huyện”
Gần đây không ít cổ đông ngoại trong các ngân hàng đã và đang tiếp tục bày tỏ ý định thoái vốn. Thời thế đổi thay, thị trường tài chính thế giới dịch chuyển, dòng vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển quay ngược trở lại chính quốc thay vì chảy vào thị trường mới nổi như trước đây. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế các nước Bắc Mỹ và châu Âu đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Các khoản đầu tư vào thị trường cận biên giờ trở nên hàm chứa rủi ro cao, khiến cho việc trích lập dự phòng tăng lên. Nhiều tập đoàn tên tuổi tài chính quốc tế công khai chiến lược toàn cầu rút vốn khỏi châu Á, trong đó có rút vốn khỏi Việt Nam. Chiến lược thoái vốn của SCB cũng không nằm ngoài trào lưu ấy và đó là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Tại đại hội cổ đông thường niên ACB năm 2016, ông Julian Fong Loong Choon, đại diện phần góp vốn của SCB xin từ nhiệm. Ông chia sẻ với cổ đông ACB trong suốt quá trình gắn bó với ngân hàng, SCB đã chuyển giao kỹ năng, đào tạo người thay thế chuyên viên biệt phái của SCB tại ACB. Đến nay ACB đã đủ lông đủ cánh, thực sự không còn cần tới sự hỗ trợ kỹ thuật của SCB nữa. Nói cách khác, sứ mệnh cổ đông chiến lược của SCB dành cho ACB đã hoàn thành và một sự kéo dài thêm vai trò của Standard Chartered Bank tại đây là không cần thiết.
Không chỉ trường hợp thoái vốn của SCB, câu chuyện cổ đông chiến lược nước ngoài ở một số tổ chức tín dụng chuyển nhượng khoản đầu tư đang chứng tỏ vai trò của ngân hàng ngoại ở ngân hàng nội địa đã đến ngày kết thúc. Mô hình cổ đông chiến lược xét cho cùng không phải là một hình thái chuẩn mực bắt buộc phải có nữa. Hiện tại không gì có thể khẳng định chắc chắn đó là hình mẫu tốt nhất cho một tổ chức tín dụng cổ phần.
Mười hai năm ân tình
Trong giới tài chính Việt từ nhiều thập kỷ qua, đội ngũ lãnh đạo ACB qua nhiều thế hệ vẫn được đánh giá cao, không phải chỉ vì trình độ chuyên môn mà cả bởi sự tận tâm và trách nhiệm với ngân hàng, với cổ đông, với hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngay từ đầu những năm 2000, những người sáng lập ngân hàng đã bắt đầu tìm kiếm đối tác chiến lược có tầm nhìn và khả năng gắn bó lâu dài với ACB nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu.
Thuở ấy ngân hàng Việt còn non trẻ và chuyện “kết duyên” với các định chế tài chính tầm cỡ không phải dễ. Từ những năm đầu tiên thành lập ngân hàng, hiểu được ngân hàng hiện đại sẽ là hướng phát triển của tương lai, hội đồng quản trị ACB đã quyết định cử lãnh đạo cấp cao khăn gói qua Thuỵ Điển tham gia khoá học về tài chính – ngân hàng hiện đại do tổ chức SIDA tài trợ.
Giai đoạn 1998 – 1999 với sự trợ giúp tài chính từ IFC, ACB ngay lập tức tiến hành các chương trình đào tạo nhân lực. Ngân hàng ký hợp đồng đồng thuê các chuyên gia của Far East Bank and Trust Company (Philippines) dạy kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên tại Việt Nam đồng thời đưa những nhân viên chủ chốt sang học tại Manila. Từ quá trình ấy ACB thẩm thấu được quan niệm về ngân hàng hiện đại và đẩy mạnh mảng bán lẻ.
Năm 1996, Connaught Investors Ltd. (thuộc Tập đoàn Jardine Matheson Group), LG Merchant Banking Corp. (thuộc Tập đoàn LG Group), và Dragon Financial Holdings Ltd. (DC) đã mua cổ phần của ACB. Đến năm 2004, Công ty tài chính quốc tế IFC của Ngân hàng Thế giới WB đã mua lại cổ phần từ LG, chính thức trở thành cổ đông của ACB cùng với Connaught, DC. Ba tổ chức nước ngoài này sở hữu tổng cộng 24% cổ phần tại ACB.
Như vậy trước khi bắt tay với Standard Chartered Bank, ACB đã có một vị thế chuyên nghiệp nhất định. Một cách công bằng lúc bấy giờ Ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (tiền thân của VPBank) mới là tổ chức tín dụng đầu tiên bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Nhưng mời gọi được SCB và được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại là ngân hàng quốc tế thì ACB mới là đầu tiên. Điểm neoGiữa năm 2005 Standard Chartered Bank bỏ ra 22 triệu đô la Mỹ để sở hữu 8,56% cổ phần ACB. Giá mua của SCB ở mức 6.2 so với mệnh giá.
SCB đánh dấu sự có mặt tại ACB bằng một ký kết hỗ trợ kỹ thuật toàn diện giữa hai bên. Ngoài đào tạo và nâng cấp nguồn nhân lực, ACB triển khai giai đoạn hai hiện đại hoá công nghệ ngân hàng, bao gồm nâng cấp máy chủ; thay thế phần mềm xử lý giao dịch thẻ ngân hàng bằng phần mềm mới có khả năng tích hợp với nền công nghệ lõi hiện nay; lắp đặt hệ thống máy ATM. Ba việc trên, đặt trong bối cảnh của 12 năm trước là những bước đột phá của người dẫn đầu.
Không dừng lại ở đây, SCB thể hiện tham vọng hiện diện mạnh hơn, rõ ràng hơn tại ACB khi năm 2008 họ mua lại toàn bộ cổ phần của IFC tại ACB là 6,16% và mua thêm 7,1% trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng.
Trở thành cổ đông chiến lược lớn nhất, Standard Chartered Bank từ năm 2008 liên tục cử cán bộ biệt phái đến làm việc tại ACB, từ những người đảm nhiệm vị trí trung tâm thẻ, tư vấn quản lý rủi ro, khối quản trị nguồn nhân lực, thậm chí cả xử lý khủng hoảng khi cần.
Sự trỗi dậy
Standard Chartered Bank thoái vốn, cơ cấu cổ đông có thay đổi, nhưng ACB vẫn là ACB. Lặng lẽ, với một “trái tim để cho gió cuốn đi trong đời”, ACB thể hiện mình trong quá trình miệt mài xử lý những khoản nợ mà không ai dễ gì tháo gỡ. Ông Trần Hùng Huy, năm nay mới 39 tuổi, người ngồi vào vị trí chủ tịch hội đồng quản trị trong thời điểm khó khăn, cùng với ban lãnh đạo, những cố vấn lâu năm, cũ có mới có, đã lèo lái ACB đến một giai đoạn mới – tạm gọi thời kỳ hái quả.
Sự trỗi dậy của ACB được đánh dấu bằng nhiều ấn tượng, trong đó có một ấn tượng đầy sức thuyết phục cụ thể là tăng trưởng lợi nhuận ròng. Số liệu mới nhất từ ngân hàng cho thấy đến cuối năm 2017, tổng tài sản tăng 18%, lượng tiền gửi tăng 17%, tín dụng tăng 20%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 59% so với vào năm 2016. ACB vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm với tỉ lệ phần trăm ở mức hai con số, trong khi tỷ lệ nợ N3 – 5 hợp nhất cuối năm đang được kiểm soát ở mức 0.72%. ACB đã được chọn là một trong sáu ngân hàng thí điểm để phối hợp với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý nợ xấu triệt để.
ACB đang quay lại thời kỳ sung sức, sẵn sàng cạnh tranh trên một thị trường tài chính – ngân hàng ngày một chuyển động nhanh, khắc nghiệt, luôn đòi hỏi và chỉ chấp nhận sự sáng tạo cũng như sự kiên trì nối tiếp truyền thống dầy dạn đã có. Chia tay Standard Chartered Bank, ACB hướng tới một tương lai nhiều hứa hẹn phía trước.
Nguồn thesaigontimes.vn