Thứ Ba | 24/06/2014 14:53

SSI: Vinatex có lợi thế xuất khẩu nhưng rủi ro về nguyên liệu

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng rủi ro lớn với Vinatex là phụ thuộc nguyên liệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại được hưởng lợi từ xuất khẩu.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự kiến chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng 120 triệu đơn vị (24% vốn điều lệ) ngày 22/7 tới. Giá khởi điểm 11.000 đồng mỗi cổ phần.

Là đơn vị có tên tuổi và vị thế lớn trong ngành, cuộc IPO của Vinatex được giới đầu tư đánh giá là một trong những thương vụ đáng trông đợi nhất năm nay. Dù vậy, cổ phiếu của Vinatex vẫn đang được giới chuyên gia nhận định còn tiềm ẩn một số rủi ro, khó khăn. Trong một báo cáo về Vinatex vừa công bố, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng doanh nghiệp này vẫn chưa thực sự tự chủ về nguồn nguyên liệu dù đã có chuỗi cung ứng khép kín từ quay sợi, dệt, nhuộm, cắt…

"Vinatex phải nhập khẩu hầu hết các loại bông cotton (từ Trung Quốc, Thái Lan) nhằm phục vụ hoạt động sản xuất do nguồn nguyên liệu nội địa chỉ đáp ứng được chất liệu sợi", nghiên cứu của SSI cho biết. Số liệu từ đơn vị này cũng nêu rõ để đạt mức kim ngạch xuất khẩu 2,9 tỷ USD trong năm ngoái, Vinatex đã phải nhập tới 1,5 tỷ USD nguyên liệu. Các chuyên gia SSI cho rằng “phụ thuộc nguyên liệu sẽ khiến lợi nhuận tập đoàn chịu ảnh hưởng từ biến động giá bông thế giới và cả tỷ giá”.

Về thị phần, doanh nghiệp này đang dẫn đầu với 15-17% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam những năm gần đây. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản với tỷ trọng lần lượt 50%, 16% và 13%. Dù vậy, tại Việt Nam, Vinatex mới chỉ chiếm có 3% thị phần.

Năm 2013, tổng doanh thu của Vinatex và các đơn vị thành viên đạt 40.464 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 9,2%, chạm mốc 1.760 tỷ đồng. Doanh số bán hàng trong nước cao hơn cùng kỳ năm trước 15%. Chuyên gia phân tích SSI đánh giá Vinatex “chưa hấp dẫn” khi tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ đạt 2%.

Với mô hình tập đoàn, Vinatex ít tham gia hoạt động sản xuất. Điều này phần nào được phản ánh thông qua việc doanh thu 2013 từ ngành cốt lõi là 116 tỷ đồng trong khi thu nhập nhờ hoạt động tài chính lên tới 423 tỷ đồng, SSI cho biết.

Dù vậy, nếu kiểm soát tốt các rủi ro trên, việc rót vốn vào Vinatex vẫn đem lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Theo SSI, một trong những lợi thế của doanh nghiệp là tiềm năng tăng trưởng doanh thu vững chắc nhờ hưởng lợi từ việc xuất khẩu. Năm 2013, Vinatex tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Mỹ là 14,6%, châu Âu đạt 3% trong khi Nhật Bản lên tới 33%. Riêng tại Việt Nam, nhu cầu đối với các sản phẩm công ty cũng tăng 10-20% mỗi năm. Khi các ký kết về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Việt Nam EU FATs thực hiện, cơ hội đối với Vinatex sẽ còn cao hơn, SSI đánh giá.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng là một trong số những doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa ít đầu tư ngoài ngành. Mới đây, Vinatex vừa thu về 916 tỷ đồng từ việc thoái vốn ở những lĩnh vực không liên quan, theo báo cáo của SSI.

Theo kế hoạch, khi IPO, Vinatex sẽ có tối đa 3 đối tác chiến lược bao gồm lĩnh vực tài chính (một đơn vị) và mảng sản xuất, phân phối. Doanh nghiệp cũng bày tỏ niềm tin cổ phiếu bán ra sẽ thành công nhờ cổ đông chiến lược và tỷ lệ phù hợp với năng lực hấp thụ vốn trên thị trường.

Nguồn VnExpress


Sự kiện