SSI Research: Lạc quan về triển vọng TTCK Việt Nam 2015
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá cao những cổ phiếu như VCB, FPT, MBB, ACB, DHG, DRC, BMP, PNJ, HDG, DBC, VSC, BCC, KDH, PET, FCN, TDH, LCG, BCI.
Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn vừa ra báo cáo về tình hình kinh tế và thị trường Việt Nam năm 2015. Trong đó cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm 2015.
Nhìn lại TTCK năm 2014
Trong năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động do nền tảng cho sự phục hồi vững chắc của thị trường chưa được củng cố. Chỉ số VNIndex đã tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2014 với mức tăng 20,3% do những số liệu cho thấy sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư trong việc mở rộng giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài (FOL). Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại Biển Đông đã gây lo lắng cho các nhà đầu tư cá nhân trong tháng 5/2014 và ảnh hưởng lan rộng trên thị trường, chỉ số VnIndex riêng trong tháng 5/2014 đã giảm 12,4%.
Thị trường năm 2014 đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động mạnh, bắt đầu từ tháng 5/2014 bằng sự kiện Biển Đông gây lo lắng cho các nhà đầu tư trong vài tháng. Khi thị trường bắt đầu hồi phục thì diễn ra sự giảm giá mạnh của cổ phiếu ngành dầu khí trong quý 3/2014, đồng thời với đó là việc ban hành Thông tư 36, trong đó giới hạn tỷ lệ cho vay của các ngân hàng thương mại đối với hoạt động đầu tư cổ phiếu ở mức 5% vốn điều lệ. Cùng với đó là những thông tin bắt giữ trong ngành ngân hàng cũng đã tạo tâm lý tiêu cực cho các nhà đầu tư cá nhân. Đến cuối năm 2014, chỉ số VNIndex chỉ tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng 135 triệu USD trong năm 2014 với một xu thế rõ ràng là mua ròng trong nửa đầu năm và bán ròng trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trong tháng 12/2014. Trên thực tế, tổng giá trị giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 12,5% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có một điều ngạc nhiên là cổ phiếu tăng trưởng dẫn đầu thị trường năm 2014 là cổ phiếu NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB trên HOSE), một ngân hàng quốc doanh, trong khi cổ phiếu có tăng trưởng chậm nhất lại là một ngân hàng quốc doanh khác, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID trên HOSE).
Như đã đề cập trong bài “Kinh tế Việt Nam: Vươn tầm cao mới”, ngành ngân hàng Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, khi lựa chọn đầu tư vào những cổ phiếu tốt nhất trong ngành ngân hàng thì cổ phiếu của VCB rõ ràng là sự lựa chọn tốt nhất cho nhiều nhà đầu tư. Đây là lý do tại sao biểu hiện của cổ phiếu VCB lại vượt trội so với những nguyên tắc lý thuyết cơ bản.
Nếu đánh giá theo ngành thì ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu (Consumer discretionary) là ngành có cổ phiếu biểu hiện tốt nhất trong năm 2014 do những cổ phiếu như MWG và DRC. Việc nhiều nhà đầu tư đánh giá MWG là một cổ phiếu có tính tăng trưởng cùng với kế hoạch niêm yết của MWG ở mức giá thấp và ít thanh khoản đã khiến giá cổ phiếu này tăng lên đáng kể. Mặt khác, cổ phiếu DRC đã được hưởng lợi từ giá dầu giảm và sự giới hạn về trọng lượng tối đa của các xe vận tải.
Trong ngành ngân hàng, trái ngược với biểu hiện tích cực của cổ phiếu VCB, ngành này vẫn có biểu hiện không được khả quan khi cổ phiếu ngành chỉ tăng 5,8%. Số liệu này của ngành ngân hàng chỉ cao hơn ngành có biểu hiện tồi nhất là ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (consumer staple- 0,56%), khi cổ phiếu VNM trong ngành này có biểu hiện không khả quan.
Đánh giá TTCK 2015: Thị trường sẽ tăng trưởng
SSI Research nhận định rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuyển động theo đúng hướng và bộ phận phân tích này vẫn giữ nguyên quan điểm thị trường sẽ tăng trưởng dựa trên những tiến triển của nền kinh tế vĩ mô. Mặc dù sự bất ổn là điều dễ hiểu trong giai đoạn chuyển đổi của thị trường nhưng lập trường tích cực của các chuyên gia dựa trên những ước tính về lợi nhuận của và giá trị thị trường.
Theo những ước tính của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn đối với 67 công ty trong rổ theo dõi, doanh thu và lợi nhuận của những công ty này dự kiến sẽ tăng tương ứng 11,68% và 10,5% trong năm 2015. Đặc biệt là tăng trưởng EPS bình quân năm 2015 sẽ ước đạt 8,55%, cao hơn so với mức -0,01% năm 2014 và 4,66% năm 2013, trong đó nhận định rằng những cổ phiếu của các công ty có tình hình kinh doanh biến chuyển (các công ty yếu kém bất ngờ cải thiện - turnaround stock) sẽ nhận được nhiều chú ý hơn trong năm nay.
Những quan điểm lạc quan của SSI Research trên thị trường chứng khoán năm 2015 dựa trên ước tính rằng tăng trưởng GDP năm nay sẽ vượt mục tiêu dự kiến do những dấu hiệu không đổi về sự ổn định kinh tế vĩ mô. Như đã đề cập trong bài “Kinh tế Việt Nam: Vươn tầm cao mới”, các chuyên gia tin rằng lĩnh vực tiêu dùng, yếu tố chính cho sự tăng trưởng, sẽ được tăng cường trong năm 2015 (ít nhất là so với năm 2014) với sự hỗ trợ từ sự giảm giá của các hàng hóa chính.
Các chuyên gia cũng duy trì quan điểm lạc quan đối với ngành tiêu dùng và công nghiệp. Ngành tiêu dùng sẽ tăng trưởng lợi nhuận và được hưởng lợi do sự cải thiện trong nền kinh tế vĩ mô, trong khi ngành công nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Đối với lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia nhận định rằng khu vực này vẫn đang duy trì tăng trưởng. Do sự gia tăng tính thanh khoản trên thị trường cũng như sự gia tăng của các công ty đầu cơ, khu vực bất động sản sẽ thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư. Trong lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu VIC chiếm 58% tỷ trọng ngành, những công ty còn lại đều là những cổ phiếu nhỏ và vừa.
Ngành ngân hàng sẽ có những biến đổi quan trọng trong năm 2015 và rất có thể sẽ chạm đáy sớm. Đây có thể là cơ hội để các nhà đầu tư xem xét đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng. (xem thêm)
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng nhà đầu tư nên áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn khi tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào ngành ngân hàng. Việc sử dụng những chiến lược đầu tư ngắn hạn sẽ chỉ tăng thêm sự bất ổn trong xu hướng tăng giá của thị trường.
Về mặt kỹ thuật, ngành ngân hàng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư khi tỷ trọng ngành ngân hàng đang gia tăng. Những yếu tố thúc đẩy ngành ngân hàng sẽ gia tăng hết mức vào quý 1/2015, ví dụ như các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng được dự kiến sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian này.
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là tính chất “đầu tư chuyên nghiệp” vẫn còn thấp dựa trên những đánh giá về vốn hóa thị trường, tính thanh khoản và giới hạn sở hữu nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị giới hạn trong việc lựa chọn đầu tư những cổ phiếu lớn hay những cổ phiếu của công ty có mức vốn hóa lớn do quy định giới hạn sở hữu đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, thời hạn IPO và rút bớt vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp nhà nước cũng như quy định yêu cầu các doanh nghiệp này niêm yết sẽ tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường trong 2 năm tới, qua đó gia tăng lựa chọn cho các nhà đầu tư.
Những lựa chọn tốt nhất của các chuyên gia cho thị trường chứng khoán năm 2015 bao gồm VNM, NT2 và REE. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá cao những cổ phiếu như VCB, FPT, MBB, ACB, DHG, DRC, BMP, PNJ, HDG, DBC, VSC, BCC, KDH, PET, FCN, TDH, LCG, BCI. Ngoài ra, những cổ phiếu có mức vốn hóa vừa và nhỏ có tình hình kinh doanh chuyển biến (từ lỗ thành lãi - turn-around story) sẽ tạo nên một phong cách riêng biệt cho thị trường chứng khoán năm 2015.
Nguồn NDH