Thứ Sáu | 22/06/2012 13:54

SRC sẽ thu xếp 200 tỷ đồng để di dời nhà máy thế nào?

Đầu 2011, nguyên chủ tịch SRC cho biết chi phí di dời nhà máy phải 800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cần 130 tỷ đồng góp vốn lập liên doanh.
Ngày mai (23/6), CTCP Cao su Sao Vàng SRC sẽ tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2012. Đại hội cổ đông của công ty tổ chức chậm hơn dự kiến ban đầu 3 tháng (phải xin hoãn đến 2 lần) vì cần chuẩn bị giấy tờ và những điều kiện tốt nhất cho đại hội.

Sẽ thu xếp như thế nào với khoảng 200 tỷ đồng?

Nội dung đáng chú ý nhất được bàn luận tại đại hội lần này sẽ là việc SRC sẽ di dời khu vực sản xuất (hiện đặt tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội - diện tích gần 6ha) về Hà Nam, đồng thời liên doanh với 2 nhà đầu tư khác để xây khu đô thị và trung tâm thương mại trên khu đất là trụ sở công ty hiện tại.

Theo đó, SRC sẽ trình cổ đông việc di chuyển nhà máy mới tới khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tại đây, công ty dự kiến xây nhà máy trên khu đất có diện tích khoảng 10ha, với đơn giá cho thuê khoảng 29 USD/m2/46 năm.

Khu đất 231 Nguyễn Trãi-Thanh Xuân-Hà Nội có tổng diện tích 58.000 m2, phía Tây Bắc giáp đường Nguyễn Trãi, phía Đông giáp đường Thượng Đình, khu dân cư phường Thượng Đình, phía Tây Nam giáp CTCP Xà phòng và công ty LeverHaso, phía Đông Nam giáp khu dân cư phường Thượng Đình.Trên khu đất, chủ đầu tư dự kiến xây khu trung tâm thương mại, khu văn phòng cho thuê, khu biệt thự liền kề, khu biệt thự tách rời, khu nhà phố và trường học.Ngoài ra, trong dự án có bố trí diện tích cây xanh, các công trình công cộng như nhà trẻ, hồ bơi, phòng tập thể dục, nhà hàng, sân chơi.

Thử tính toán, tổng số tiền SRC phải bỏ ra để thuê đất (chưa tính tiền xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng) sẽ vào khoảng 2,9 triệu USD, tương đương hơn 60 tỷ đồng/10ha/46 năm.

Thêm vào đó, để thuận tiện cho việc giao dịch, công ty dự kiến xây trụ sở văn phòng chính tại khu đất 233 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội (tổng diện tích 2.689 m2, diện tích xây dựng 1.600 m2). Tuy nhiên, hiện công ty cũng chưa cho biết cụ thể chi phí xây dựng trụ sở văn phòng mới là bao nhiêu.

Tuy vậy, 2 đối tác liên doanh trong dự án xây khu đô thị và trung tâm thương mại trên khu đất trụ sở công ty hiện tại (gồm CTCP Bất động sản Việt Hưng - hiện cũng là chủ đầu tư dự án Ecopark, Hưng Yên) và CTCP Tập đoàn Phú Mỹ chỉ có thể hỗ trợ cho công ty để di dời xây dựng nhà máy với kinh phí là 720 tỷ đồng, tương đương đơn giá hỗ trợ di dời khoảng 12,42 triệu đồng/m2.

Mà tại đại hội cổ đông thường niên năm 2011, ông Nguyễn Gia Tường - khi đó còn là chủ tịch HĐQT cho biết, theo tính toán, để có thể di dời nhà máy thì công ty phải dừng sản xuất ít nhất 18 tháng với tổng chi phí khoảng 800 tỷ đồng để nhà máy mới hoạt động bình thường. Với khoản chi phí lớn như trên, nên mặc dù đã có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất trụ sở từ năm 2007, nhưng phải đến đại hội cổ đông thường niên năm 2012, SRC mới có thể trình được phương án đầu tư, di dời chi tiết tới cổ đông.

Bên cạnh đó, đáng lưu ý là để tham gia vào liên doanh xây dựng khu đô thị và trung tâm thương mại cùng 2 đối tác kia, SRC cũng cần thu xếp khoảng 130 tỷ đồng (tương đương 10%) để góp vốn.

Đơn vị: tỷ đồng
Đơn vị: tỷ đồng

Như vậy, câu hỏi đặt ra là SRC sẽ thu xếp như thế nào với số vốn khoảng 200 tỷ đồng và có biện pháp gì để khắc phục khi nhà máy ngừng hoạt động 18 tháng (theo như phát biểu của ông Tường)?

Kết quả kinh doanh thấp nhất trong ngành săm lốp

Theo báo cáo tài chính của SRC, đến 31/3/2012, tổng tiền mặt của công ty là gần 10 tỷ đồng. Trong tổng tài sản gần 615 tỷ đồng của công ty, có 63% được hình thành từ các khoản đi vay và nợ, 37% còn lại từ vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, tại 31/3, tổng các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của SRC là gần 280 tỷ đồng, gấp hơn 1,2 vốn chủ sở hữu.

Xét trên khía cạnh ngành săm, lốp, năm 2011, SRC là công ty có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp nhất so với 2 công ty khác đang niêm yết trên sàn chứng khoán là CTCP Cao su miền Nam (CSM) và CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC).

Nguồn: Báo cáo kiểm toán năm 2011
Đơn vị: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo kiểm toán năm 2011

Đặc biệt, SRC cũng phải đối mặt với tình trạng nhân viên bỏ việc do thu nhập không được cải thiện, dẫn tới trong suốt 6 tháng đầu năm 2011, công ty phải chịu sự mất cân đối dây chuyền sản xuất. Theo ban Giám đốc, năm 2011, công ty đã giải quyết thôi việc, sa thải, hưu trí cho 279 lao động, tuyển dụng vào công ty 142 người. Số lượng lao động toàn công ty đến 31/12/2011 là 1.224 người. Thu nhập bình quân thực tế của người lao động là 4,368 triệu đồng/tháng.

Như vậy, nếu tới đây công ty thực hiện di dời nhà máy, vấn đề hỗ trợ cho lao động từ Hà Nội sang làm việc tại Hà Nam cũng là vấn đề đáng xem xét nhằm ổn định sản xuất.

Nguồn DVT


Sự kiện