Spotify đặt cược vào thị trường Việt Nam
Với cơ cấu hoạt động chủ yếu từ phí thuê bao, Spotify sẽ trở thành cột mốc đánh dấu sự phân chia lại thị trường nhạc số, góp phần thay đổi thói quen nghe tải nhạc miễn phí hay sẽ nối bước các doanh nghiệp từng thất bại ở thị trường này tại Việt Nam?
Thử thách cho tay chơi mới
Spotify là dịch vụ truyền dữ liệu âm nhạc thương mại của Thụy Điển, cung cấp quyền quản lý kỹ thuật số có hạn từ các hãng thu âm Sony, EMI, Warner Music Group và Universal. Hiện dịch vụ này sở hữu khoảng 35 triệu bài hát quốc tế và Việt Nam, hơn 159 triệu người dùng trên thế giới, trong đó khoảng 71 triệu thuê bao trả phí. Thế mạnh của Spotify, được nhiều người dùng đánh giá nằm ở giao diện thân thiện, khả năng tiếp cận nhanh nhạy thói quen người dùng và đưa ra các gợi ý theo ngữ cảnh (theo thời gian/sở thích/giới tính...), tự tạo, chia sẻ các playlist giữa người dùng với 2 triệu playlist mới mỗi ngày và 2 tỉ playlist có sẵn trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, quốc gia thứ 62 Spotify đặt chân đến, dịch vụ này vẫn sẽ duy trì 2 phiên bản tương tự các thị trường khác là bản miễn phí và bản tính phí. Mức giá Spotify áp dụng với thị trường Việt Nam là 59.000 đồng/tháng hoặc 708.000 đồng/năm cho bản Spotify Premium, tương đương mức 3 USD/tháng của Apple Music hiện nay. Với Spotify Premium, người dùng được hưởng một số quyền lợi như nghe nhạc không bị quảng cáo làm phiền, tùy chọn bài hát trên ứng dụng di động, tải nhạc, chất lượng âm thanh tốt hơn (tối đa 320Kbps)... Hiện Spotify đã có giao diện tiếng Việt trên cả website và ứng dụng trên iOS và Android, kho nhạc đã có tương đối đầy đủ các nghệ sĩ Việt Nam và cả một số playlist nhạc Việt tuyển chọn, mỗi ngày có khoảng 35.000 bài hát mới trên toàn thế giới được cập nhật.
Với sự gia nhập của Spotify, thị trường nhạc số Việt Nam hiện được chia thành 2 nhóm: nhóm ngoại gồm Apple Music, MOOV và Spotify; nhóm nội gồm ZingMp3 (VNG), Nhaccuatui (NCT Corp); Keeng... và một số trang khác. Thị trường nhạc số ngày càng khắc nghiệt, lượng người chấp nhận nghe nhạc trả phí chiếm chưa đến 1% người sử dụng, doanh thu quảng cáo trực tuyến ngày càng teo tóp vì Google và Facebook, các đơn vị kinh doanh thuộc nhóm ngoại liên tục bù lỗ, nhóm nội phải “biến hóa” mô hình kinh doanh từ mô hình trải nghiệm, quảng cáo trò chơi trong ứng dụng đến phân phối - phát hành game... chứ không phụ thuộc vào quảng cáo hay phí thuê bao để tồn tại. Trong bối cảnh này, câu hỏi được đặt ra, Spotify liệu có trụ được tại thị trường Việt Nam hay sẽ nối gót Guvera, một ứng dụng nghe nhạc của Úc đã nói lời chia tay Việt Nam sau thời gian thu phí thử nghiệm?
Đánh giá năng lực cạnh tranh của Spotify so với các trang nhạc số khác, nhạc sĩ Mew Amazing chia sẻ: “Đây là bài toán khó đoán kết quả nhưng dễ phân tích hiện trạng vấn đề. Spotify hiện chưa có nhiều cơ sở để cạnh tranh với các trang nhạc trực tuyến sừng sỏ ở Việt Nam, nhưng sự hứa hẹn không phải là không có. Tôi nghĩ, Spotify là sân chơi chung giữa nhạc số Việt và thế giới. Sự cạnh tranh ở đây, nếu có là ở nhu cầu của người dùng. Dĩ nhiên, khi nhắc đến nhu cầu thì nhu cầu nghe nhạc Việt của đại đa số vẫn nhiều hơn, và thói quen nghe miễn phí cũng phổ biến hơn”.
Khắc tinh của nhạc miễn phí?
Ngay thời điểm ra mắt, thông điệp chủ chốt của Spotify được phát đi là “nói không với âm nhạc không bản quyền”. Do đó, Spotify đang được đặt nhiều kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi thói quen nghe, tải nhạc trực tuyến miễn phí tồn tại nhiều năm nay hoặc ít nhất, mang đến những trải nghiệm âm nhạc mới từ bản thu gốc. Sự minh bạch và lời gửi gắm này của Spotify đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều ca sĩ có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam như Mỹ Tâm, Đức Tuấn, Hồng Nhung... Đây là những người trước đó kiên quyết nói không với việc phát hành sản phẩm âm nhạc trên các trang nhạc trực tuyến trong nước. Ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ: “Tôi hy vọng động thái này sẽ góp phần làm thay đổi thói quen nghe nhạc của người dùng, cũng như các trang nhạc miễn phí sẽ mất dần”.
Với doanh thu từ thuê bao khoảng 2,5 triệu USD năm 2017 và 4,5 triệu vào năm 2020, theo Statista, thị trường nhạc trực tuyến của Việt Nam kém Thái Lan tới 5 lần và khó đuổi kịp trong 5 năm nữa. Vì thế, kế sách của Spotify trong tương lai không hề đơn giản, trong khi vẫn tiếp tục gánh nhiều khoản lỗ tại thị trường thế giới (năm 2017 lỗ gần 200 triệu USD).
“Theo đánh giá của tôi, tùy từng phân khúc người dùng khác nhau, họ sẽ chọn các trang nhạc trực tuyến khác nhau. Tôi nghĩ thị phần mà Spotify hướng đến trước mắt thuộc lứa 9X trở về sau, bởi lớp trẻ này có xu hướng nghe nhạc thế giới nhiều hơn. Đây cũng chính là thế hệ ý thức được chuyện bản quyền và sẵn sàng trả phí để nghe, tải nhạc”, một nhà sản xuất tin tưởng. Mặt khác, Spotify đang làm việc tích cực cùng biên tập viên âm nhạc vùng, đồng thời mở rộng kết nối với các nhà cung cấp nội địa nhằm tăng tính đa dạng cho kho nhạc, tiếp cận người dùng Việt Nam nhiều hơn.
“Điều quan trọng và cần thiết ở đây là làm sao để Spotify có thể giới thiệu họ đến với nhiều người. Một khi đã trải nghiệm, người nghe sẽ tự có sự đối sánh về chất lượng âm nhạc giữa các trang khác nhau và sẵn sàng chi trả để nghe được nhạc chất lượng. Xét ở mẫu số chung thì tỉ lệ này có vẻ chưa khả quan lắm, bởi thói quen nghe, tải nhạc trả phí còn là vấn đề thế hệ. Tuy nhiên, nếu Spotify trụ lâu dài ở Việt Nam và có chiến lược tốt, cùng với sự ủng hộ của các nghệ sĩ, tôi tin họ sẽ làm nên chuyện”, nhạc sĩ Mew Amazing nhận định