Thứ Bảy | 28/06/2014 00:19

S&P duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB-/B

S&P đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất mạnh mẽ.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hôm 26/6 vừa cập nhật đánh giá tín nhiệm đối với Việt Nam. Theo đó, S&P giữ nguyên xếp hạng dài hạn của Việt Nam ở BB-, và ngắn hạn ở mức B với triển vọng dài hạn là ổn định.

Theo S&P, các yếu tố bên ngoài ổn định, nợ nước ngoài thấp và dự trữ ngoại hối tăng cũng hỗ trợ tín nhiệm quốc gia. Tuy nhiên, xếp hạng này cũng phản ánh Việt Nam vẫn là nước có thu nhập thấp, hệ thống tiền tệ và thị trường vốn chưa hoàn thiện và đi kèm với các rủi ro do chín sách chưa theo kịp sự chuyển dịch kinh tế.

S&P dự báo, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 khoảng 2.149 USD. Đây là yếu tố ghìm xếp hạng tín nhiệm và khiến Việt Nam có mức độ linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa thấp hơn so với các quốc gia khác với thu nhập bình quân đầu người cao hơn.

Tuy nhiên, S&P cũng cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất lớn trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất khá đa dạng và ngày càng hướng đến sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ, sản xuất trong GDP ngày càng tăng trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng phát triển. Dự báo, đến năm 2017, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình với thu nhập bình quân đầu người 3.000 USD.

Tốc độ tăng trưởng GDP chậm hiện tại phản ánh chính sách nghiêng về bình ổn kinh tế, nhằm có thời gian cải tổ ngân hàng và các công ty nhà nước kém hiệu quả. S&P dự đoán tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2017 là 5%. Các biện pháp bình ổn tuy làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng đã giúp khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát ổn định ở mức thấp, niềm tin vào tiền đồng tăng. Tuy vậy, S&P cũng cho rằng, mặc dù gần đây Việt Nam kiềm chế được lạm phát nhưng khung chính sách tiền tệ vẫn yếu so với tiêu chuẩn quốc tế.

Tỷ lệ nợ nước ngoài khiêm tốn với chi phí lãi vay thấp và thời gian đáo hạn dài góp phần hỗ trợ tín nhiệm cho Việt Nam. S&P dự báo, tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam sẽ giảm còn khoảng 30% trong vòng 3 năm tới. Việt Nam sẽ ít phải vay nước ngoài và tiếp tục có thặng dư cán cân thanh toán, nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khoảng 4% GDP và lĩnh vực xuất khẩu năng động. Các thỏa thuận thương mại tự do sắp tới cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam hơn nữa.
Triển vọng xếp hạng ổn định cho thấy, S&P kỳ vọng trong 12-18 tháng tới, quan điểm chính sách của Việt Nam sẽ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố các thành tựu kinh tế. Ngoài ra, nó cũng cho thấy Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục mục tiêu cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước và rủi ro từ các khu vực này cũng sẽ giảm dần.

S&P cũng cho biết có thể hạ xếp hạng tín nhiệm nếu bất ổn vĩ mô lại xuất hiện, khiến một trong các chỉ số chủ chốt giảm điểm. Trái lại, tín nhiệm sẽ được nâng nếu Việt Nam có thể tăng trưởng GDP bình quân thực trên 5,5% mỗi năm trong 5-10 năm tới mà không ảnh hưởng đến cân bằng vĩ mô, các chính sách ngày càng thống nhất và quá trình cải tổ có tiến triển rõ rệt.

Nguồn Theo DVO/S&P


Sự kiện