'Sóng' đầu cơ USD
“Đô” chợ đen tăng mạnh
Áp lực của tỷ giá ngày càng thể hiện rõ khi trong những ngày qua hầu hết các ngân hàng đều tăng giá mua bán USD kịch trần cho phép. Hiện tại với biên độ +/- 1%, các ngân hàng thương mại (NHTM) được niêm yết tỷ giá sàn là 20.826 đồng/USD và trần 21.246 đồng/USD.
Ngày 8.7, giá mua - bán USD của Vietcombank ở mức 21.230 đồng - 21.246 đồng; Eximbank ở mức 21.220 đồng và 21.246 đồng/USD…. Trong khoảng 10 ngày trở lại đây, giá USD liên tiếp được các NH niêm yết giá kịch trần biên độ cho phép. Trên thị trường chợ đen, giá ngoại tệ này mỗi này một nóng, giá USD ngày 8.7 tăng từ 50 - 100 đồng/USD so với cuối tuần qua. Tại một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do tại Hà Nội báo giá USD ở mức 21.740 - 21.750 đồng (mua vào) và 21.810 - 21.820 đồng (bán ra). Còn tại TP.HCM, giá USD tự do ở khoảng 21.820 - 21.850 đồng/USD, một số điểm đẩy giá lên cao 22.000 đồng/USD.
Lý giải tỷ giá tăng nóng, trưởng phòng ngoại hối một NH cho biết, do nguồn cung USD không có nên giá đã bị đẩy lên. Bên cạnh đó, trước đây khi lãi suất tiền đồng ở mức cao, nhiều NH bán USD lấy tiền đồng cho doanh nghiệp (DN) vay hưởng lợi. Nay họ thực hiện mua lại nên nhu cầu ngoại tệ tăng lên. TGĐ một NHTM cổ phần thì dự báo, cầu ngoại tệ càng tăng ở nửa cuối năm khi toàn hệ thống phải nỗ lực đạt mức tăng trưởng tín dụng 12%, bình quân khoảng 1%/tháng. Kéo theo các DN phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên, nhiên liệu dùng cho sản xuất kinh doanh. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều nhà băng lớn đã nâng giá bán USD trên thị trường ngoại hối liên NH, kể cả giá giao ngay và có kỳ hạn.
Còn theo một chuyên gia kinh tế, các NH lớn tạo "sóng" tỷ giá, các NH nhỏ dù biết, nhưng cũng phải cắn răng mua vào ngoại tệ để cải thiện hơn trạng thái ngoại hối, sẵn sàng phục vụ khách hàng ruột của mình trong thời gian sắp tới. Đây là nguyên nhân chính lý giải vì sao các NH cổ phần lớn, nhỏ cũng phải áp giá mua bán USD kịch trần. Có lẽ nắm bắt được nhu cầu đầu cơ USD từ khối NH mà những phiên gần đây NHNN gần như không bán USD. Điều này đã thúc đẩy giá USD trên thị trường liên NH và tự do tăng chóng mặt.
Chuyên gia kinh tế này cũng nhận định, một lý do nữa là thời gian qua NHNN đã “bơm” hơn 1 triệu lượng vàng qua đấu thầu. Với mức giá bình quân khoảng 38 triệu đồng/lượng, và tỷ giá bằng tỷ giá liên NH trước đó tức 20.828 đồng/USD thì đơn vị này phải dùng hơn 1,8 tỉ USD để nhập khẩu vàng. Trong khi mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bị kéo xa, lên tới 6 triệu - 7 triệu đồng/lượng khiến giới nắm giữ USD không “cam lòng”, đẩy giá USD tăng tính theo giờ nhằm chia sẻ lợi nhuận từ vàng.
Áp lực cục bộ
Sau hơn 1 năm rưỡi giữ đồng nội tệ ổn định so với USD, ngày 28.6, NHNN đã phải điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH giữa VND và USD tăng thêm 1%, từ mức 20.828 đồng/USD lên 21.036 đồng/USD. Lý do chủ yếu cho đợt điều chỉnh này, theo NHNN nhằm phản ánh chính xác hơn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, cũng như cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối.
Theo đánh giá của nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, việc điều chỉnh tỷ giá 1% đợt vừa rồi chứng tỏ những áp lực từ thị trường ngoại hối là có thật, nhưng sau ngày điều chỉnh sự gia tăng áp lực lớn hơn, chứng tỏ mức điều chỉnh này chưa thể “triệt tiêu” được hành vi đầu cơ, cũng như thỏa mãn được nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận của những “nhà buôn” chuyên nghiệp là các ngân hàng lớn, chuyên kinh doanh ngoại tệ. Đặc biệt, một yếu tố cộng hưởng khác là việc dư dả, thừa ứ tiền đồng khiến nhiều NHTM cũng đã quay sang dùng tiền đồng mua ngoại tệ kinh doanh.
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, trong thời gian qua nhờ giữ được sự ổn định tỷ giá, NHNN đã mua vào khoảng 5 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối, và dự báo trong 2013 cán cân thanh toán tổng thể vẫn tiếp tục thặng dư khoảng 4-5 tỉ USD. Rõ ràng, nhìn vào các con số trên có thể thấy NHNN vẫn có thể đảm bảo ổn định cân đối được cung - cầu ngoại tệ.
Vấn đề còn lại nếu không mạnh tay “dẹp” nạn đầu cơ, làm giá USD, để các NH chạy theo lợi nhuận cục bộ gây áp lực lên tỷ giá như nói trên có thể buộc nhà quản lý phải hút tiền đồng về. Khi các NHTM không còn dư dả thanh khoản thì mục tiêu giảm lãi suất, hỗ trợ khó khăn cho các DN, nền kinh tế càng trở nên xa vời.
(Theo TN)