Thứ Ba | 21/07/2015 09:25

Sóng cổ phiếu ngân hàng

Liệu thị trường có đang lạc quan quá mức với những ngân hàng thuộc chi phối nhà nước hay không?

Vietcombank ( VCB) cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay đạt 3.040 tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận khá lạc quan trong ngành ngân hàng. Nhưng lạc quan hơn nữa là mức tăng đến hơn gấp đôi của giá cổ phiếu VCB. Điều đáng nói là từ lúc lên sàn cho đến nay, chưa khi nào giá cổ phiếu ngân hàng này lại đạt mức tăng cao như thế. Giá đã tăng liên tục kể từ đầu năm, tính đến ngày 17.7 là 51.000 đồng/cổ phiếu, tăng 63,5% so với hồi đầu năm và tăng gần 102% so với cùng kỳ.

Không chỉ VCB mà 2 cổ phiếu ngân hàng thuộc sở hữu chi phối nhà nước khác là VietinBank ( CTG) và BIDV ( BID) cũng có nhiều phiên được mua mạnh, trong đó đáng kể là lực mua của nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, tùy vào mỗi ngân hàng mà các nhà đầu tư kỳ vọng khác nhau. Nhưng liệu thị trường có đang lạc quan quá mức với những ngân hàng thuộc chi phối nhà nước hay không?

Tạo sóng

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán có mức tăng giá lạc quan. Tính đến cuối tháng 5, theo thống kê của Công ty Chứng khoán VPBS, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng lên đến 22,11%, so với mức tăng chỉ 4,39% của VN-Index.

Giữa làn sóng tăng giá cổ phiếu kể từ đầu năm nay, các ngân hàng thương mại thuộc chi phối của nhà nước lại có mức tăng trưởng cao hơn vượt trội so với những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Chẳng hạn, VietinBank (CTG) tăng hơn 59%, BIDV (BID) trên 93% trong khi nhóm các ngân hàng tư nhân như ACB, Sacombank ( STB), SHB, Eximbank ( EIB) hay MBB có mức tăng trưởng thấp hơn.

Song co phieu ngan hang
Tăng trưởng giá cổ phiếu các ngân hàng

Qua khảo sát một số nhà đầu tư đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ngân hàng lớn trong danh mục, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn là vì các nhà đầu tư hiện kỳ vọng nhiều vào kết quả kinh doanh trong quý II sẽ chuyển biến tích cực ở một số ngân hàng. Hơn nữa, khối ngoại tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt đến một số mã và một số quỹ đầu tư cũng nâng tỉ trọng ngân hàng trong danh mục (tính từ đầu năm, số tiền mà khối ngoại đổ ròng vào ngân hàng chiếm đến 47% tổng giá trị mua ròng trên toàn thị trường).

Một lý do khác giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng khả quan là nhờ những tín hiệu tốt từ ngành. Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay hơn trong các hoạt động M&A và xử lý nợ xấu. Hiện hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt thương vụ M&A. Bằng việc mua lại liên tiếp 3 ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng trong 7 tháng đầu năm, cơ quan quản lý các ngân hàng cho thấy quyết tâm cao trong việc xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém trong hệ thống.

Các thương vụ M&A trong năm nay có đặc điểm mới so với những năm trước. Đó là sự tham gia của các ngân hàng lớn trong ngành. Chẳng hạn như trường hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (.MHB) về với BIDV; Ngân hàng Dầu khí (PGBank) sáp nhập vào VietinBank; Ngân hàng Sài Gòn Công thương (SaigonBank) được cho là sẽ về với Vietcombank.

Hoạt động xử lý nợ xấu các ngân hàng cũng đang có những chuyển biến tích cực. Tỉ lệ nợ xấu dự kiến được đưa về dưới mốc 3% vào cuối quý III này. Năm 2015 cũng chính là thời điểm kết thúc đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đưa ra từ năm 2012.

Tiềm ẩn rủi ro

Một yếu tố may mắn khác hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của các ngân hàng là nhu cầu của nền kinh tế đang dần tăng lên. Trong bối cảnh tái cấu trúc, các ngân hàng vẫn đẩy mạnh được tiền ra thị trường kinh doanh. Tính đến cuối tháng 6, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng 6,28% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 2%.

Gần đây, cơ quan quản lý còn nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng, trong đó có Vietcombank và VietinBank từ 13% lên 16%; nhiều ngân hàng nhỏ hơn có thể lên đến 25% như SHB, VPBank, VIB… Nhu cầu vốn vay cũng đang tăng mạnh, theo khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo - Thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng lên trong những tháng tới, hứa hẹn nguồn thu khả quan hơn cho ngân hàng. Tất cả những điều này giải thích vì sao nhóm cổ phiếu ngân hàng đã liên tục tạo sóng kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, việc nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc chi phối nhà nước, liên tục lập đỉnh mới cũng là điều cần cẩn trọng. “Nếu nhìn ở góc độ so sánh với giá lịch sử của cổ phiếu và so sánh với trung bình của Việt nam và khu vực thì 3 cổ phiếu lớn VCB, BID, CTG đều đã vượt lên ngưỡng trên”, đại diện Công ty Chứng khoán SSI cho biết.

SSI cho rằng giá cổ phiếu phải được yếu tố cơ bản hỗ trợ mới bền vững. “Giá tăng do yếu tố tâm lý, yếu tố đầu cơ hay bất kỳ lý do nào khác đều không bền và khi đã tăng thì luôn tiềm ẩn rủi ro cao giống như những gì đang diễn ra tại thị trường chứng khoán Trung Quốc”, đại diện SSI cho biết.

Thanh Phong