Sơn La thường xuyên chịu nhiều thiệt hại từ thiên tai, bão lũ, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân
Sơn La vượt khó trong đấu thầu qua mạng
Xuất phát từ một tỉnh miền núi nghèo có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, tỉnh Sơn La đã vượt qua khó khăn, thành công áp dụng đấu thầu qua mạng cho nhiều dự án mua sắm công, góp phần sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.
Tỉnh nghèo vươn lên trong gian khó
Là một trong những tỉnh miền núi khó khăn với 82% người dân tộc thiểu số, Sơn La trong những năm vừa qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Đảng và Chính phủ trong công cuộc phát triển tại địa phương.
Nằm trong khu vực có địa hình vùng núi hiểm trở, hệ thống hạ tầng viễn thông của tỉnh Sơn La còn gặp phải một số hạn chế như: Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam đứng thứ 50/63 tỉnh/thành phố, hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin đứng thứ 54/63 tỉnh/thành phố, việc truy cập sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa được người dân và doanh nghiệp sử dụng thường xuyên.
Tuy nhiên, suốt thời gian qua, tỉnh đã không ngừng hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin một cách đồng bộ, với tốc độ và chất lượng cao, đáp ứng mọi loại hình dịch vụ. Đặc biệt, dù còn gặp nhiều khó khăn, Sơn La là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai thành công hình thức đấu thầu qua mạng cho các dự án mua sắm công bằng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, gói thầu có quy mô nhỏ thuộc lĩnh vực xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn.
Những bước thành công ban đầu
Căn cứ theo quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025, tỉnh Sơn La đã bắt đầu áp dụng đấu thầu qua mạng từ đầu năm 2017. Sau một năm, 53 gói thầu thực hiện theo hình thức này đã được triển khai, trong đó có 49 gói thầu xây lắp, với tổng giá trị các gói thầu lên tới 119.293.000.000 VNĐ.
Theo đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La, dù là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, Sơn La vẫn quyết tâm thực hiện đúng chủ trương của nhà nước, nhất là trong công tác đấu thầu, sao cho các hoạt động diễn ra được công khai và minh bạch, cũng như giúp tiết kiệm các chi phí không cần thiết trong suốt quá trình.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng đấu thầu qua mạng là tất yếu, chúng tôi đã sớm nhận ra nhiều lợi ích đáng kể như: Tổng số tiền tiết kiệm qua mỗi gói thầu là khoảng 5 triệu đồng, bao gồm chi phí in ấn, phí đi lại…, số lượng nhân sự cần huy động để mở và chấm thầu cũng giảm từ 10-12 người xuống 3 người so với hình thức đấu thầu truyền thống, các hồ sơ đều được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dưới dạng bản mềm, vừa tiết kiệm được diện tích lưu trữ, vừa tránh việc tài liệu bị mất hoặc phá hủy.” - ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Sở KHĐT trao đổi.
Hệ thống đấu thầu qua mạng (Hệ thống) không chỉ mang lại lợi ích cho các bên mời thầu, mà còn cho cả các nhà thầu, khi họ được tiếp cận với hàng chục nghìn cơ hội kinh doanh mỗi năm, và có thể nộp thầu cho bất cứ dự án mua sắm công nào phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của mình mà không cần đi lại, in ấn hồ sơ.
Cảnh quan nhà trường được cải tạo khang trang hơn, đẹp hơn giúp cho các thầy cô giáo cũng như các em học sinh thêm gắn bó với nhà trường |
Ông Nguyễn Văn Thương, Giám đốc Công ty TNHH TM Mạnh Tuân, đơn vị đã trúng thầu dự án Nhà lớp học 3 tầng của Trường Tiểu học Tây Tiến, thị trấn Mộc Châu chia sẻ: “Chúng tôi đã tham gia và trúng thầu 2 gói thầu điện tử lĩnh vực xây lắp tại Sơn La với giá trị lên tới 10 tỷ VNĐ. Việc thực hiện các gói thầu này góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, cũng như giúp chúng tôi có thêm nguồn vốn để tham gia các dự án tiếp theo.”
Đặc biệt, nhờ việc công khai thông tin các gói thầu, Hệ thống còn giúp thu hút nhiều nhà thầu khác nhau trên cả nước tham gia đấu thầu qua mạng, chứ không chỉ gói gọn cho các đơn vị tại địa phương. Gói thầu xây dựng nhà lớp học mầm non bản Páng, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một ví dụ điển hình. Được đăng tải thông báo mời thầu trên hệ thống vào năm 2017, gói thầu đã thu hút các nhà thầu tại Sơn La và tỉnh khác cùng tham gia. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị Hà Nội - với trụ sở chính cách tỉnh Sơn La hơn 350km - là đơn vị đã trúng thầu. Tỷ lệ tiết kiệm đạt tới hơn 10%.
Tiếp tục nỗ lực trong tương lai
Nhờ nhanh chóng áp dụng công nghệ hiện đại thay cho cách thức đấu thầu trực tiếp truyền thống, nhiều gói thầu qua mạng đã được triển khai tại Sơn La, giúp sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước vào các hoạt động phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội. Sau những thành công ban đầu, năm 2018, UBND tỉnh Sơn La đã tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác đấu thầu của các chủ đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó sẽ tập trung vào các nội dung chính như: thực hành , giải đáp thắc mắc, hướng dẫn xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng…
Trong năm nay, UBND tỉnh Sơn La cũng đề ra mục tiêu trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng đạt tối thiểu 40% số lượng gói chào hàng cạnh tranh và 30% số lượng gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.
Với những cố gắng không ngừng, tỉnh Sơn La xứng đáng là một trong những địa phương đi đầu, là đại diện tiêu biểu cho chính sách minh bạch và công khai các hoạt động mua sắm công, góp phần cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả chi tiêu ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.